Thời hạn thanh toán lương theo quy định của pháp luật lao động

Thời hạn thanh toán lương theo quy định của pháp luật lao động. Em làm phụ trách về lao động tiền lương của Công ty. Công ty e có trên 100 công nhân nhưng có địa điểm làm việc tại các tổ, đội khác nhau do vậy việc tổng hợp chốt công trong tháng cần rất nhiều thời gian. Thời gian chấm công hưởng lương theo quy định bên em là từ ngày 01 đầu tháng đến ngày 30 or 31 cuối tháng. Nhưng các tổ chuyển số liệu chốt công về thường phải gần đến ngày 20 của tháng kế tiếp mới hoàn tất. Vậy nên nếu Công ty em trả lương cho người lao động vào vào ngày 20 hoặc 24 của tháng kế tiếp có được không? (ví dụ kỳ lương tháng 10 sẽ trả lương vào ngày 20 hoặc 24 của tháng 11). Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Căn cứ Điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động về nội dung hợp đồng lao động như sau:

Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động tại Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 được quy định như sau:

1. Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động được quy định như sau: 

a) Tên doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; trường hợp là cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ và tên người sử dụng lao động theo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu được cấp; 

b) Địa chỉ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; 

c) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ nơi cư trú, chức danh trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này. 

2. Số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động được quy định như sau: 

a) Số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người lao động; 

b) Số giấy phép lao động, ngày tháng năm cấp, nơi cấp giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền cấp đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; 

c) Văn bản đồng ý việc giao kết hợp đồng lao động của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; 

d) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi; 

đ) Văn bản của người dưới 15 tuổi đồng ý để người đại diện theo pháp luật của mình giao kết hợp đồng lao động. 

3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau: 

a) Công việc: Công việc mà người lao động phải thực hiện; 

b) Địa điểm làm việc của người lao động: Phạm vi, địa điểm người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính người lao động làm việc. 

4. Thời hạn của hợp đồng lao động: Thời gian thực hiện hợp đồng lao động (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định); thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn). 

5. Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau: 

a) Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định này; 

b) Hình thức trả lương xác định theo quy định tại Điều 94 của Bộ luật Lao động; 

c) Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật Lao động. 

6. Chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương: Điều kiện, thời gian, thời điểm, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương mà hai bên đã thỏa thuận. 
7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau: 

a) Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; làm thêm giờ và các điều khoản liên quan khi làm thêm giờ; 

b) Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương. 

8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: Ghi cụ thể số lượng, chủng loại, chất lượng và thời hạn sử dụng của từng loại trang bị bảo hộ lao động theo quy định của người sử dụng lao động. 

9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế được quy định như sau: 

a) Tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và của người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; 

b) Phương thức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và của người lao động. 

10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng: Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. 

11. Các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận.

Căn cứ Điều 23 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động về kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng như sau:

1. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

2. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật lao động về kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng, thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng và được thỏa thuận trong nội dung hợp đồng lao động. Trong trường hợp bạn muốn trả lương cho người lao động vào ngày 20 hoặc 24 hàng tháng thì không vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời điểm trả lương của các tháng phải cố định và giao kết cụ thể trong hợp đồng lao động.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thời hạn thanh toán lương theo quy định của pháp luật lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 05/2015/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
337 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào