Mua phải thuốc tây giả thì xử lý thế nào? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Hoài Tâm, có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn. Tôi muốn biết trường hợp lỡ mua phải thuốc tây giả thì thưa kiện ở đâu? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! Quách Thành Danh
Theo Khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 quy định:
Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có dược chất, dược liệu;
b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
d) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Khi mua phải thuốc giả thì bạn có thể gửi đơn tới UBND cấp xã hoặc quản lý thị trường nơi bán thuốc để được giải quyết. Bấy giờ, người bán hàng giả sẽ bị xử lý phạt theo Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức phạt gấp 2 lần. Hoặc người vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 1999 (khung hình phạt đến 15 năm tù).
Ngoài ra người mua phải thuốc giả có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi mua phải thuốc tây giả. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Dược 2016 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!