Trách nhiệm bồi thường của công chứng viên được quy định thế nào?
Trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng theo Điều 38 Luật công chứng 2014 quy định như sau:
1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp công chứng viên có lỗi trong việc công chứng thì nguyên tắc bồi thường như sau:
- Tổ chức hành nghề công chứng bồi thường cho người yêu cầu công chứng;
- Công chứng viên hoàn trả số tiền mà tổ chức hành nghề công chứng đã bồi thường;
Đối với vấn đề bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp:
Căn cứ Điều 20 Nghị định 29/2015/NĐ-CP xác định phạm vi bảo hiểm như sau:
1. Phạm vi bảo hiểm bao gồm thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc của cá nhân, tổ chức khác có liên quan trực tiếp đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà những thiệt hại gây ra do lỗi của công chứng viên trong thời hạn bảo hiểm.
2. Tổ chức hành nghề công chứng hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong trường hợp được tổ chức hành nghề công chứng ủy quyền có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm về phạm vi bảo hiểm rộng hơn phạm vi bảo hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định 29/2015/NĐ-CP
Điều kiện bảo hiểm theo Điều 21 Nghị định 29/2015/NĐ-CP:
- Thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm quy định tại Điều 20 của Nghị định 29/2015/NĐ-CP.
- Không thuộc các trường hợp sau đây:
+ Công chứng viên thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;
+ Công chứng viên công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;
+ Công chứng viên cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng;
+ Trường hợp khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức hành nghề công chứng hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong trường hợp được tổ chức hành nghề công chứng ủy quyền.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu công chứng viên không thuộc một trong các trường hợp không hưởng bảo hiểm nêu trên và trường hợp khác theo thỏa thuận cùng với đó là đang trong thời gian bảo hiểm thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm cho công chứng viên đó.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm bồi thường của công chứng viên. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật công chứng 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?