Mẹ mất không để lại tài sản thì chồng con có phải trả nợ thay không?
Theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì:
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Mặt khác, theo Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 về thứ tự ưu tiên thanh toán liên quan đến thừa kế thì Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác là một nghĩa vụ tài sản được thanh toán theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Điều này. Cụ thể:
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn cần hiểu rằng người thừa kế chỉ có nghĩa vụ trả nợ tương ứng với tài sản do người chết để lại, khoản nợ của người đã chết sẽ được trả cho bên cho vay từ di sản thừa kế mà người chết để lại, sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ tài sản và các chi phí khác theo thứ tự ưu tiên đã nêu.
Nếu mẹ bạn không để lại tài sản gì có nghĩa là không có di sản thừa kế thì gia đình bạn không có nghĩa vụ trả nợ thay.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng phân tích thêm như sau: Mẹ bạn đứng tên doanh nghiệp và còn nợ thuế giá trị gia tăng, mẹ bạn mất không đương nhiên công ty cũng chấm dứt hoạt động, hay nói cách khác khoản nợ thuế là pháp nhân công ty nợ, công ty còn hoạt động thì công ty sẽ có trách nhiệm thanh toán khoản nợ này, còn nếu chỉ có mẹ bạn là chủ sở hữu công ty, khi mẹ bạn mất công ty không còn tài sản gì thì không còn nghĩa vụ thanh toán nợ với Nhà nước.
Còn đối với ngôi nhà, nếu bố bạn chứng minh được ngôi nhà là được tặng cho riêng không liên quan đến tài sản của mẹ hay mẹ bạn không có đóng góp tài sản vào ngôi nhà thì bố bạn và bạn không có nghĩa vụ thanh toán tiền.
Riêng các khoản nợ mẹ bạn đã vay, nếu mẹ bạn tự đứng ra vay không liên quan gì đến bố và bạn thì gia đình bạn cũng không có nghĩa vụ phải thanh toán khi mà mẹ bạn không hề để lại di sản nào.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trả nợ thay khi mẹ mất mà không để lại tài sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?