Vay tiền ngân hàng nhưng bỏ nhà đi không trả nợ bị xử lý thế nào?

Vay tiền ngân hàng nhưng bỏ nhà đi không trả nợ bị xử lý thế nào? Tôi có người em vay tiền của ngân hàng dưới dạng tín chấp với số tiền 50.000.000 đồng nhưng đã trả được 10.000.000 đồng. Bây giờ gia đình không biết vì lí do gì mà em tôi bỏ nhà ra đi cách nay được 4 tháng. Vậy em tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin chân thành cảm ơn! Gửi bởi: Nguyễn Huỳnh

Trước hết, em bạn có nghĩa vụ đối với ngân hàng theo Hợp đồng vay tiền đã ký kết, đó là nghĩa vụ trả nợ. Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ vay như sau:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Em bạn phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trường hợp em bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với Ngân hàng. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm dân sự đối với Ngân hàng thì em bạn còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với Nhà nước nếu hành vi của em bạn có đầy đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Khoản 2,3,4,5 Điều 140 Bộ luật Hình sự còn qu định về các tình tiết định khung tăng nặng và hình phạt bổ sung.

Dấu hiệu về hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
- Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ hợp đồng hợp pháp (vay, mượn, thuê …).
- Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nếu không dùng thủ đoạn gian dối như vậy, nhưng sau khi đã nhận tài sản rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản thì cũng được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin bạn cung cấp thì em bạn đã bỏ trốn mà không ai biết, nếu mục đích bỏ trốn của em bạn là không trả nợ cho Ngân hàng thì hành vi khách quan này được coi là một trong những dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Ngoài những dấu hiệu nêu trên thì khi xác định em bạn có phạm tội theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 hay không, phải xác định hành vi đó có thỏa mãn những dấu hiệu khác không, như: dấu hiệu về khách thể, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm. Việc xác định này sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi vay tiền mà bỏ nhà đi không trả nợ. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
240 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào