Tai nạn giao thông do lỗi của người đi bộ có phải bồi thường không?

Tôi đang lưu thông trên đường bằng xe máy, phía trước có người đi bộ từ trong lề sang bên kia đường (không phải đường dành cho người đi bộ) nên tôi nép vào phía lề đường để nhường đường cho người đi bộ qua. Nhưng khi tôi đang chạy tới thì người đi bộ từ vạch phân cách bất ngờ chạy ngược vào lề đường và va chạm vào xe tôi, người đi bộ tử vong vào hôm sau. (Thời điểm đó tôi không sử dụng rượu bia, đi đúng phần đường làn đường và đúng tốc độ quy định 40km/h). Sau đó bên phía người đi bộ yêu cầu gia đình tôi phải bồi thường 50 triệu đồng nếu không có tôi sẽ phải ở tù. Xin cho tôi biết yêu cầu như vậy là đúng hay sai và tôi phải chịu trách nhiệm như thế nào trong trường hợp trên? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại

Điểm b khoản 1 mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP quy định về căn cứ để xác định nguồn cao độ như sau:

 “Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó. Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật”.

Căn cứ vào quy định của pháp luật thì phương tiện giao thông vận tải cơ giới dược xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm

Như vậy, căn cứ vào thông tin bạn cung cấp cũng như căn cứ vào quy định của pháp luật thì trường hợp bạn gây ra tai nạn giao thông mà hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì bạn phải điều khiển xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường khi tai nạn giao thông do lỗi của người đi bộ. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
192 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào