Lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập của hồ chứa nước được quy định như thế nào?

Lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập của hồ chứa nước được quy định như thế nào? Chào mọi người, tôi có một vấn đề hi vọng được các anh chị trong Thư ký luật giải đáp như sau: Tôi đang làm việc trong Ủy ban huyện. Gần đây, tại khu vực huyện tôi có một dự án liên quan tới đập của hồ chứa nước. Do liên quan tới hoạt động quản lý nên tôi cũng có tìm hiểu về nội dung này, đặc biệt là về quản lý an toàn đập. Tôi muốn hỏi: Lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập của hồ chứa nước được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn! Tôi tên là Hoàng Yến, địa chỉ mail hoangyen****@gmail.com.

Lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập của hồ chứa nước được hướng dẫn tại Mục IV Thông tư 33/2008/TT-BNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo đó:

1. Phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do chủ đập lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý địa bàn bị ảnh hưởng ngập lụt phê duyệt; nhằm chủ động đối phó với tình huống ngập lụt do xả lũ khẩn cấp và tình huống vỡ đập. 

2. Tùy theo đặc điểm cụ thể của hồ, đập, chủ đập cần xây dựng các phương án thiết thực, nhằm chủ động đối phó và đối phó có hiệu quả với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 

Mục đích của phương án nhằm: 

a. Xác định hoặc dự kiến được tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt khi xảy ra sự cố 

b. Đề ra được phương án bảo vệ, phòng tránh hoặc giảm nhẹ thiệt hại cho các khu dân cư, cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng. 

c. Xây dựng được phương án sơ tán nhanh chóng, triệt để dân cư, bảo đảm tính mạng của nhân dân. 

3. Nội dung phương án cần đề cập các vấn đề sau đây: 

a. Dự kiến tình huống: 

Căn cứ vào đặc điểm về vị trí địa lý của công trình, vật liệu, kết cấu đập, đặc điểm nền đập, hiện trạng chất lượng đập, năng lực xả lũ của hồ chứa, đặc điểm về kinh tế, an ninh, quốc phòng vùng hạ du đập để dự kiến các tình huống cần phải xây dựng phương án đối phó. 

Đối với tình huống đối phó với lũ lớn, có 3 trường hợp cần xem xét để xây dựng phương án, bao gồm: 

- Trường hợp xả lũ kiểm tra qua công trình xả lũ kiên cố. 

- Trường hợp khả năng xả lũ của hồ chứa không đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, tình huống vỡ đập được tính với lũ thiết kế. 

-Trường hợp khả năng xả lũ của hồ đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, tình huống vỡ đập được tính với lũ kiểm tra. 

b. Xác định hoặc dự kiến tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt theo các tình huống. 

Việc xác định tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt là công việc phức tạp, nhìn chung phải do tư vấn chuyên ngành thực hiện trên cơ sở tính toán lũ và sóng lũ do vỡ đập, tài liệu địa hình, địa mạo, tài liệu lòng dẫn v.v… Khi chưa có điều kiện xác định tính toán cụ thể, cần dự kiến tuyến lũ quét dựa trên tài liệu bản đồ khu vực và điều tra nghiên cứu tại thực địa để quyết định. 

c. Liệt kê các đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng theo các tình huống khác nhau. 

d. Đề xuất phương án chủ động đề phòng, đối phó, giảm nhẹ thiệt hại, khắc phục hậu quả, bao gồm công tác chuẩn bị trước, khi tình huống chưa xảy ra như xây dựng bổ sung đê bao, đường sơ tán, ứng cứu, trang bị các phương tiện thông tin, còi, kẻng báo động v.v.. 

e. Phương án sơ tán dân cư: hướng sơ tán, lực lượng, phương tiện trợ giúp dân sơ tán, công tác bảo đảm hậu cần trong thời gian sơ tán … 

f. Dự kiến tổ chức thực hiện phương án: 

Để tổ chức thực hiện phương án, cần có quy định cụ thể về các vấn đề sau đây: 

- Chế độ thông tin, báo cáo tình hình hồ chứa của chủ đập về Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão cấp trên. 

- Công tác trực ban tại đập và tại Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp. 

- Thẩm quyền quyết định sơ tán (dự lệnh, động lệnh). 

- Trách nhiệm của các cấp chính quyền các địa phương đối với việc tổ chức sơ tán dân 

- Hiệu lệnh báo động cho các tình huống. 

- Tổ chức ứng cứu. 

4. Sau khi phương án được phê duyệt, hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa lũ: 

a. Chủ đập phải chủ trì phối hợp với các địa phương dự kiến bị ảnh hưởng lũ lụt để bổ sung, cập nhật các thông tin cần thiết. 

b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, xã dự kiến bị ảnh hưởng lũ lụt phải cập nhật, cụ thể hóa phương án, phân công cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm từng công việc. Kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị tại các địa phương, cơ sở; phổ biến, quán triệt cho nhân dân biết để thực hiện.

5. Kinh phí cho việc lập phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du đập do chủ đập chi trả trên cơ sở kế hoạch chi ngân sách hàng năm cho công tác quản lý công trình thủy lợi và các nguồn kinh phí khác phù hợp với các quy định hiện hành.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập của hồ chứa nước, được quy định tại Thông tư 33/2008/TT-BNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
406 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào