Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn cho bé 25 tháng tuổi
Căn cứ Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự 2005 chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
- Phải có thiệt hại xảy ra.
- Phải có hành vi trái pháp luật.
- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
- Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Theo như bạn trình bày thì con bạn đang chơi ở trong sân, bị xe tải đâm. Trường hợp này cần phải xác minh nguyên nhân gây tai nạn giao thông của tài xế lái xe tải, nếu việc điều khiển xe tải của tài xế không đúng làn đường, không đúng phần đường, không đúng tốc độ, say rượu,...thì hoàn toàn là do lỗi của người điều khiển xe tải gây ra tại nạn giao thông cho con bạn thì tài xế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 609 Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm Bộ luật dân sự 2005:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, trong trường hợp này con bạn sẽ được bồi thường các chi phí bao gồm:
- Chi phí hợp lý do việc cứu chữa, bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe của con bạn;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của bạn khi chăm sóc con trong thời gian điều trị.
- Được bù đắp một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà con bạn phải gánh chịu. Mức bồi thường này có thể do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Điều 202 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định tội phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Như vậy, trong trường hợp người điều khiển xe vi phạm các quy định về giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định trên và phải bồi thường thiệt hại cho con của bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn cho bé 25 tháng tuổi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?