Cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn, sự cố trên đường cao tốc được quy định như thế nào?
Cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn, sự cố trên đường cao tốc được quy định tại Điều 16 Nghị định 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc như sau:
Khi xảy ra tai nạn, sự cố giao thông, tổ chức, cá nhân có liên quan ngoài việc thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Giao thông đường bộ cần có trách nhiệm thực hiện các quy định sau:
1. Đơn vị khai thác, bảo trì tuyến đường cao tốc có tai nạn, sự cố phải điều động lực lượng đến ngay hiện trường giải quyết bước đầu, bảo vệ hiện trường, sơ cứu về người (nếu có), hướng dẫn điều tiết giao thông tạm thời; bố trí lực lượng tham gia giải quyết tai nạn, sự cố theo chỉ huy của lực lượng công an; tổ chức thực hiện các thủ tục đòi bồi thường thiệt hại tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định.
2. Đội cứu nạn có mặt ngay tại hiện trường chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận được thông tin để sơ cứu, cấp cứu ban đầu người bị nạn; vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
3. Đội cứu hộ có mặt tại hiện trường chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận được thông tin để thực hiện cứu hộ phương tiện, hàng hóa bị nạn ra khỏi đường cao tốc.
4. Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tai nạn, sự cố trên sóng radio, biển báo thông tin điện tử, các điểm cung cấp thông tin; phối hợp với đơn vị khai thác, bảo trì điều tiết giao thông từ xa, áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông; điều chỉnh làn xe chạy hoặc hạn chế tốc độ chạy xe trên đường cao tốc cho phù hợp với điều kiện giao thông thực tế.
5. Trung tâm quản lý điều hành giao thông khu vực chịu trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến và giám sát việc cung cấp các thông tin trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn;
b) Chỉ đạo các đơn vị khai thác, bảo trì tuyến đường cao tốc khác trong khu vực tham gia hỗ trợ giải quyết tai nạn, sự cố khi cần thiết;
c) Điều phối giao thông trên hệ thống đường cao tốc khu vực theo phương án tổ chức giao thông đặc biệt đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
6. Cơ quan công an chỉ huy lực lượng của mình đến ngay hiện trường xảy ra tai nạn, sự cố chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận được thông tin, chủ trì phối hợp với các lực lượng giải quyết tai nạn, sự cố trong thời gian ngắn nhất đưa đường cao tốc vào hoạt động bình thường.
7. Chi phí cứu nạn, cứu hộ trên đường cao tốc
a) Bộ Giao thông vận tải quy định về định mức, chi phí cứu hộ trên đường cao tốc;
b) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định về định mức, chi phí cho công tác cứu nạn trên đường cao tốc;
c) Chi phí cho hoạt động cứu nạn, trên đường cao tốc được tính trong chi phí quản lý khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Chi phí cho hoạt động cứu hộ sẽ do người điều khiển phương tiện chi trả nếu nguyên nhân gây ra tai nạn do người điều khiển phương tiện gây ra; do đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì hoặc chủ đầu tư tuyến cao tốc chi trả nếu nguyên nhân gây tai nạn do hư hỏng của công trình đường cao tốc hoặc nguyên nhân khách quan khác.
Trên đây là quy định về Cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn, sự cố trên đường cao tốc. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?