Quy định về quyền tặng cho tài sản

Bố mẹ tôi sinh được 5 anh em, 3 trai, 2 gái, (1 trai út đã mất, chưa có gia đình), Bố tôi còn minh mẫn, mẹ tôi không được minh mẫn. Ông định sang tên ngôi nhà khoảng 3 tỷ, cho cháu đích tôn là con anh trai cả (anh cả còn khỏe), ông nói là để cháu trông coi thờ cúng sau này, anh thứ 2 và hai chị em gái không đồng ý, ông nói con gái không có quyền. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Trong trường hợp này, bạn không nói rõ mảnh đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ai, chỉ của bố mẹ bạn hay của cả thành viên khác trong gia đình. Do vậy, có thể chia làm hai trường hợp sau:

- Mảnh đất này là tài sản chung của các thành viên trong gia đình bao gồm bố mẹ và 4 anh em. Nếu là tài sản chung của hộ gia đình thì theo Điều 109 Bộ luật dân sự 2005:

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Còn nếu là tài sản chung không phải trường hợp tài sản chung của hộ gia đình thì việc định đoạt tuân theo Điều 223 Bộ luật dân sự 2005:

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

Do là tài sản chung của các thành viên trong gia đình (dù là tài sản hộ gia đình hay tài sản chung thông thường) thì bố bạn cũng không có quyền tự định đoạt toàn bộ tài sản này. Nếu muốn định đoạt tài sản này phải được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình có quyền đối với căn nhà trên đồng ý.  Hoặc nếu là tài sản chung thông thường thì bố bạn cũng chỉ có quyền định đoạt đối với phần tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bố bạn.

- Mảnh đất này là tài sản chung của bố mẹ bạn. Việc định đoạt tài sản chung giữa hai vợ chồng thì phải được hai vợ chồng đồng ý dưới hình thức văn bản theo Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản như sau:

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Trường hợp này bạn nói mẹ bạn đang trong tình trạng không minh mẫn. Vậy không minh mẫn của mẹ bạn đang ở mức nào.

Nếu như tình trạng của mẹ bạn chỉ ở mức nhẹ, vẫn có thời điểm có khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình (để chắc chắn thì bạn phải có xác nhận của bệnh viện tình trạng của mẹ bạn vào thời điểm này) thì nên hỏi ý chí của mẹ bạn như thế nào. Có đồng ý hay phản đối ý kiến của bố bạn. Nếu như mẹ bạn đồng ý và xác nhận bằng văn bản thì bố bạn vẫn có quyền cho người khác. Còn nếu mẹ bạn không đồng ý thì bố bạn không có quyền tặng cho người khác.

Nếu như khả năng mẹ bạn không nhận thức hoặc điều chỉnh hành vi của mình thì bên bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định mẹ bạn bị mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 Bộ luật dân sự 2005:

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Khi mẹ bạn bị mất năng lực hành vi dân sự, thì bố bạn là người giám hộ của mẹ bạn cũng là người đại diện của mẹ bạn khi tham gia giao dịch. Tuy nhiên, khi bố bạn thực hiện giao dịch thì phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Giám sát việc giám hộ theo Điều 59 Bộ luật dân sự 2005 do một trong những người thân thích của người được giám hộ cử ra để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì của người được giám hộ.

Như vậy, bạn và những anh chị em bạn có thể làm người giám sát việc giám hộ và có thể tác động vào việc định đoạt tài sản khi bố bạn muốn tặng cho cháu của bố bạn. 

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền tặng cho tài sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
188 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào