Hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa được quy định như thế nào?
Hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa được hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định 104/2012/NĐ-CP quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam, theo đó:
1. Sau khi được cấp phép đến Việt Nam để sửa chữa, 48 giờ trước khi tàu vào lãnh hải Việt Nam, Thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài phải thông báo và giữ liên lạc với Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến.
Trường hợp trên tàu có sự thay đổi so với nội dung Tờ khai thì Thuyền trưởng, phải thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận sửa chữa tàu để phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết trước khi tàu vào sữa chữa.
2. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa chỉ được neo đậu sửa chữa tại các cơ sở sửa chữa tàu biển đã được cấp phép. Tàu quân sự của cùng một quốc gia đến Việt Nam để sửa chữa trong cùng một thời điểm không quá 05 (năm) tàu tại cùng một cơ sở sửa chữa, trừ trường hợp được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
3. Trong thời gian tàu ra vào, neo đậu, sửa chữa, tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu, doanh nghiệp sửa chữa tàu phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, nội quy cảng biển, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.
4. Khi neo đậu sửa chữa, việc sử dụng các phương tiện khác trên tàu để đi lại, bảo dưỡng phương tiện phải được sự chấp thuận của Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Cảng vụ hàng hải.
5. Các hoạt động giao lưu, thăm tàu phải xin phép và được Bộ Quốc phòng chấp thuận.
6. Trường hợp phía tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa hoặc doanh nghiệp sửa chữa tàu có nhu cầu thuê dịch vụ bảo vệ trong thời gian tàu neo đậu sửa chữa:
a) Doanh nghiệp sửa chữa tàu phải gửi văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép doanh nghiệp Việt Nam có chức năng kinh doanh dịch vụ bảo vệ tàu quân sự nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo vệ) được làm dịch vụ bảo vệ tàu, kèm theo 01 (một) bản sao (có chứng thực) Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp bảo vệ được thuê, 01 (một) bản sao (có chứng thực) Hợp đồng dịch vụ bảo vệ và 01 (một) bản chính danh sách có thông tin cơ bản về cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tàu;
b) Chậm nhất 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Quốc phòng cấp phép cho doanh nghiệp bảo vệ được thuê làm dịch vụ bảo vệ tàu thông qua doanh nghiệp sửa chữa tàu. Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi doanh nghiệp sửa chữa tàu nêu rõ lý do;
c) Doanh nghiệp bảo vệ chỉ được tiến hành các hoạt động theo đúng nội dung và phạm vi bảo vệ được Bộ Quốc phòng cấp phép. Cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tàu phải có giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu, sửa chữa cấp và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của lực lượng Biên phòng cửa khẩu cảng;
d) Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nội dung và phạm vi bảo vệ của doanh nghiệp bảo vệ đối với các tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa, được quy định tại Nghị định 104/2012/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?