Bị tâm thần đến mức nào thì không phải đi tù?
Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý... Một trong các yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự của mỗi người phụ thuộc vào độ tuổi của người đó và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của họ.
Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Tuy vậy, nếu người nào đó dù trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự thì có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 13 quy định:
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, không phải mọi trường hợp có tiền sử bị bệnh tâm thần hay đang bị bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ những người mắc bệnh tâm thần (điều kiện về bệnh lý) đến mức mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình (điều kiện về tâm lý) khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được coi là thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng người này phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Theo khoản 1 Điều 43 Bộ luật Hình sự, tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, họ sẽ được giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 43 Bộ luật Hình sự).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?