Động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch thì được xử lý như thế nào?
Điều 30 Luật thú y 2015 quy định việc xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới như sau:
1. Các biện pháp xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới bao gồm:
a) Tiêu hủy bắt buộc;
b) Giết mổ bắt buộc.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định biện pháp xử lý quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Nhà nước hỗ trợ việc tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới. Trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với việc tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người.
4. Việc giết mổ bắt buộc động vật được thực hiện như sau:
a) Thực hiện tại cơ sở giết mổ do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương chỉ định và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú y theo quy định;
b) Phương tiện vận chuyển động vật giết mổ bắt buộc phải có sàn kín để không rơi vãi các chất thải trên đường đi và phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc ngay sau vận chuyển;
c) Cơ sở giết mổ, dụng cụ giết mổ, chất thải của động vật bị giết mổ bắt buộc phải được xử lý, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau giết mổ;
d) Thân thịt của động vật bị giết mổ bắt buộc được sử dụng nhưng phải được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;
đ) Những phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc, các chất độn chuồng, chất thải của động vật phải được đốt hoặc chôn.
5. Việc tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới phải theo quy định của pháp luật về thú y, phòng chống bệnh truyền nhiễm và bảo vệ môi trường.
6. Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy, giết mổ bắt buộc có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành việc tiêu hủy, giết mổ bắt buộc, tiêu thụ sản phẩm động vật giết mổ bắt buộc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;
b) Thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
7. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí dự phòng cho việc tiêu hủy động vật, hỗ trợ chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy để bảo đảm việc khống chế, ngăn chặn bệnh dịch động vật nhanh, hiệu quả và vệ sinh môi trường.
8. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết các khoản 1, 4 và 5 Điều này.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thú y 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Năm 2025: Bộ Y tế thanh tra việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức?
- Dụ dỗ người khác gian lận trong hoạt động thể thao bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Truyền thống Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam được khái quát như thế nào?
- Biển báo hiệu hình tròn có nền xanh lam có hình vẽ màu trắng là loại biển gì?