Ai được sử dụng tang vật tịch thu?

Ai được sử dụng tang vật tịch thu?

Theo điểm d khoản 1 Điều 21, 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, tịch thu tang vật là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng với vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Đây là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính (không quy định giá trị tối đa); giám đốc công an cấp tỉnh được quyền tịch thu tang vật có giá trị không quá 50.000.000 đồng; chủ tịch UBND cấp huyện được tịch thu tang vật có giá trị không quá 50.000.000 đồng... 

Theo Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xử lý như sau:

- Tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước;

- Giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định;

- Ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng;

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc các trường hợp nêu trên thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.

Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá;

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, phí bán đấu giá và chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, sau khi trừ các chi phí theo quy định tại khoản này và phù hợp với quy định của pháp luật, phải được nộp vào ngân sách nhà nước.

Trong vụ hình sự, việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định. Nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra do viện kiểm sát quyết định; nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố do toà án hoặc hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử.

Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, quy định về xử lý vật chứng như sau:

- Là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

- Là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền có quyền quyết định trả lại những vật chứng này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

- Là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

- Là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

Ngoài ra, Điều 41 Bộ luật Hình sự 1999 quy định tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.

Như vậy, đối với các tang vật, vật chứng có giá trị, còn sử dụng được, được quyền tịch thu, sung công quỹ thì việc giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng cũng là một giải pháp phù hợp, không gây lãng phí khi tiêu hủy và cũng không phức tạp, tốn kém khi phải bán đấu giá. Tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo việc tịch thu tang vật, giao cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng là đúng quy định; đúng mục đích, phải phục vụ cho hoạt động công vụ.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
293 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào