Người ngoại tình hẹn hò trong nhà nghỉ, bị phạt thế nào?
Theo quy định của pháp luật, người có hành vi ngoại tình tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cụ thể như sau:
- Về xử phạt hành chính: Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định: Người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
- Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Bên cạnh đó, khái niệm “chung sống như vợ chồng” đề cập trong các điều luật vừa trích dẫn được giải thích cụ thể tại mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”.
Như vậy, theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với người có hành vi ngoại tình cần phải có chứng cứ chứng minh họ chung sống như vợ chồng theo hướng dẫn tại mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001.
Theo đó, việc vào nhà nghỉ để thực hiện hành vi ngoại tình mà không có chứng cứ chứng minh họ “chung sống như vợ chồng” thì chưa đủ căn cứ để xử phạt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kịch bản Lễ kết nạp hội viên Cựu chiến binh Việt Nam ngắn gọn 2024?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có tư cách pháp nhân không? Có được cung cấp dịch vụ về công nghệ thông tin cho tổ chức ngoài ngành?
- Bảng lương của Thống kê viên hiện nay là bao nhiêu?
- Việc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được thực hiện theo các nguyên tắc nào?
- Chủ tịch nước có quyền gì trong lĩnh vực tư pháp?