Xử phạt hành vi đỗ xe ngược chiều gây tai nạn

Tôi có điều khiển một chiếc xe ô tô đi trả hàng tạp hóa. Khi đến nơi, tôi có đỗ xe ngược chiều để cho tiện bốc hàng xuống nhưng tôi đã đỗ sát mép đường. Sau đó 15 phút có 2 xe mô tô đi cùng chiều nhau một xe vượt lên trước va chạm với xe đi trước, ngã ra đường rồi ngã vào gầm xe của tôi. Hiện giờ tình trạng sức khỏe của họ đang nguy kịch. Trong trường hợp trên, tôi vi phạm những lỗi nào và bị xử lý ra sao? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008, quy định:

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008, quy định:

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Từ các quy định trên, việc dừng, đỗ xe phải tuân theo quy định pháp luật. Việc dừng đỗ xe phải đúng nơi quy định, phải tuân thủ nghiêm ngặt khi cho xe dừng, đỗ, có các tín hiệu báo cho người điều khiển khác biết...

Như vậy, hành vi đỗ xe ngược chiều là hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định, vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Trường hợp của bạn, cần xác định, đoạn đường bạn đỗ xe bên trái thuộc đường một chiều hay đường hai chiều để có các biện pháp xử lý theo luật định.

1, Trường hợp bạn đỗ xe bên trái trên đường một chiều:

Đây là một trong số các trường hợp bị cấm dừng, đỗ xe theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008.  

Khi đó, theo Điểm đ, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thì người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự như xe ô tô bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi đỗ xe bên trái đường một chiều này.

Ngoài ra, thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng.

2, Trường hợp bạn đỗ xe bên trái đường 2 chiều:

Pháp luật không cấm việc dừng, đỗ xe bên trái đường 2 chiều. Tuy nhiên, việc dừng, đỗ xe phải bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông khác bằng các tín hiệu báo cho các phương tiện khác bằng các biển báo hiệu...

Khi đó, người ngồi trên xe ô tô, người điều khiển xe ô tô có thể bị xử phạt đối với hành vi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết hay khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định, trừ trường hợp đỗ xe tại vị trí quy định được phép đỗ xe theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm.

Ngoài ra, bạn cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người bị tai nạn. Phụ thuộc phía cơ quan điêu tra để xác định xem, tai nạn giao thông xảy ra có lỗi của người bị tai nạn hay không?

Nếu xảy ra tai nạn nhưng người bị tai nạn không có lỗi, mà tai nạn xảy ra là do lỗi của người đỗ xe trái quy định, theo Điều 609 Bộ Luật dân sự 2005, người dừng đỗ xe sai quy định phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn như sau:

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Mức bồi thường thiệt hại căn cứ vào các khoản chi phí trên do các bên thỏa thuận không quá ba mươi tháng tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Trường hợp người bị tai nạn cũng có lỗi gây ra tai nạn, theo Điều 617 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.

Do đó, phụ thuộc vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan công an mới có thể kết luận do lỗi của ai và phải bồi thường như thế nào?

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt hành vi đỗ xe ngược chiều gây tai nạn. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật giao thông đường bộ 2008 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
246 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào