Tổ chức thực hiện tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020

Tổ chức thực hiện tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được quy định như thế nào? Bạn đọc Yến Nghi Nguyễn, địa chỉ mail yennghi****@gmail.com hỏi: Em mới được nhận vào làm việc tại ủy ban xã. Nơi em sống hiện nay vẫn đang là một khu vực khó khăn và còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, kiến thức pháp luật cũng chưa cao. Cho em hỏi: Tổ chức thực hiện tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp em. Xin cám ơn!

Tổ chức thực hiện tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được quy định tại  Điều 3 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo đó:

1. Mức chuẩn nghèo quy định tại Điều 2 Quyết định này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng kế hoạch, phương pháp, công cụ hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra, xác định các đối tượng thụ hưởng chính sách đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ (hai năm/lần);

- Tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ của cả nước và các tỉnh, thành phố;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước trong giai đoạn 2016-2020.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Bổ sung hệ thống thu thập số liệu các chiều, chỉ số nghèo đa chiều trong khảo sát mức sống hộ gia đình nhằm phục vụ theo dõi và đánh giá tình trạng nghèo đa chiều của quốc gia và các địa phương;

- Trên cơ sở kết quả điều tra mức sống hộ gia đình hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố tỷ lệ nghèo chung (có cập nhật chỉ số giá tiêu dùng - CPI), tỷ lệ hộ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số nghèo đa chiều (MPI), làm cơ sở để định hướng các chính sách phát triển kinh tế vùng, lĩnh vực, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội;

- Nghiên cứu bổ sung các chỉ số đo lường nghèo đa chiều vào bộ chỉ tiêu khảo sát mức sống hộ gia đình để phản ánh tốt hơn các khía cạnh nghèo của người dân, nhất là những chỉ số phản ánh kết quả và tác động.

c) Bộ Tài chính

Chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối nguồn lực ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khi chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo sang đa chiều.

d) Bộ Y tế

- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh, tăng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ về y tế.

đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi theo từng cấp học, giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban; tăng tỷ lệ biết chữ của người lớn;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ về giáo dục.

e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh khu vực nông thôn;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ về vệ sinh, nước sạch nông thôn.

g) Bộ Xây dựng

- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp để hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở, tăng tỷ lệ người dân có nhà ở bảo đảm về diện tích và chất lượng;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ về nhà ở.

h) Bộ Thông tin và Truyền thông

- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận về thông tin.

i) Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan xây dựng giải pháp giảm nghèo bền vững phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.

k) Các Bộ, ngành liên quan: trên cơ sở mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của cả nước và từng địa phương, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tác động trong các chương trình, chính sách đặc thù và thường xuyên, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, nhất là các vùng có tỷ lệ tiếp cận thấp.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về mục đích, ý nghĩa việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều;

b) Chỉ đạo điều tra xác định, phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo hằng năm;

c) Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn;

d) Nghiên cứu, thực hiện giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn;

đ) Căn cứ điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể bổ sung các chiều/chỉ số thiếu hụt, điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt, áp dụng đầy đủ phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, nâng chuẩn nghèo thu nhập cao hơn chuẩn của quốc gia với điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để hỗ trợ các chính sách cho đối tượng nghèo, cận nghèo trên địa bàn do điều chỉnh, nâng chuẩn.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về tổ chức thực hiện tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, được quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
125 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào