Ai chịu trách nhiệm khi người đi đường chết vì hố ga không nắp?

Tôi có người anh vừa qua đời vì nguyên nhân thương tâm. Trong một tối trời mưa, trên đường chạy xe từ cơ quan về nhà, qua khu vực đang thi công, anh ấy bị ngã khi đi qua hố ga không có nắp đậy, tử vong. Tôi xin hỏi, trong trường hợp này ai chịu trách nhiệm? Nạn nhân được bồi thường ra sao? Người thi công để hố ga không nắp, đơn vị thi công có bị xử lý hình sự không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác: Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Về trách nhiệm hình sự

Tội Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông được quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự 1999 như sau: “Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không mà vi phạm các quy định về  duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình đó gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm….”.

Bên cạnh đó, Điều 15 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông cũng hướng dẫn: “Hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau:

1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông…”.

Như vậy, những người thi công công trình này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” theo Điều 220 với mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Những người phụ trách khác như giám sát thi công cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm.

Về trách nhiệm dân sự

Đơn vị tổ chức thi công công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị hại, chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng (nếu người bị hại đang có nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật định).

Cụ thể: Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2005 và mục 2 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm các chi phí sau:

Thứ nhất, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc cho người bị thiệt hại trước khi chết.

Thứ hai, Chi phí cho việc mai táng bao gồm : các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…

Thứ ba, Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết: Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó.

Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

Ngoài ra, người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại, nếu không có những người này thì người mà người bị hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. 

Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
203 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào