Quy định về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự
a) Có tổ chức
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức.
Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.
Các vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có tổ chức thường kèm theo các hành vi phạm tội khác xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân như: khám người, khám chỗ ở trái phép; bắt người trái phép…
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm
Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là trường hợp người phạm tội có những mánh khóe, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để để phòng như tạo dụng ra một sự việc vu khống cho người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ hoặc dùng thủ đoạn tinh vi làm cho người bị hại không lường được buộc phải giao tài sản cho người phạm tội.
Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người.
c) Phạm tội nhiều lần
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nhiều lần là có từ hai lần lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trở lên và mỗi lần đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nhiều lần.
d) Tái phạm nguy hiểm
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự).
Như vậy, tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự có đặc điểm sau:
- Đã hai lần phạm tội đều là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc một trong hai lần đó là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, trong đó có một lần đã bị kết án.
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý, không phân biệt đó là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều không quy định “đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới” thì có bị coi là tái phạm nguy hiểm hay không? Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sự không quy định thì không được áp dụng vì nếu áp dụng là làm xấu đi tình trạng của người phạm tội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một người đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới còn bị coi là tái phạm nguy hiểm huống hồ người đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới thì càng phải coi họ là tái phạm nguy hiểm.Chúng ta nên coi là tái phạm nguy hiểm đối với trường hợp mà Bộ luật hình sự quy định “đã tái phạm…”, tức là đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích mà còn phạm tội do cố ý thì mới bị coi là tái phạm nguy hiểm, còn nếu phạm tội do vô ý dù là tội đó là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì cũng không coi là tái phạm nguy hiểm.
Đối với chương các tội phạm về chức vụ (cả mục A và mục B) chỉ có tội lam dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nhà làm luật quy định tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt. Không phải các tội phạm khác không có trường hợp tái phạm nguy hiểm, mà việc nhà làm luật không quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt là căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của từng tội phạm cụ thể.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 289; hoặc tái phạm chưa được xóa án tích mà lại phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền han chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự.
đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
Đây là trường hợp người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định.
Mặc dù điều luật, quy định chiếm đoạt tài sản nhưng chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản, đã thực hiện thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu dưới hai triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà gây nên những thiệt hại như đã nêu ở các phần trên.
Tương tự như đối với tội tham ô, khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm 2 khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào cần phải phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng với hậu quả nghiêm trọng khác.
Tuy nhiên, khi nói hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là những thiệt hại trực tiếp do chính hành vi phạm tội gây ra cũng như do thủ đoạn thự chiện tội phạm gây ra như giá trị tài sản bị chiếm; còn hậu quả nghiêm trọng khác là những thiệt hại gián tiếp do việc thực hiện tội phạm gây ra như hành vi phạm tội tạo nên sự nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 280, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, không phải là người có vai trò tổ chức, đáng được khoan hồng thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới sáu năm tù) nhưng không dưới một năm tù. Ngược lại, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể bị phạt mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt (đến 13 năm tù).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?