Hủy án sơ thẩm rồi giao cho tòa sơ thẩm xử lại có đúng không?Tôi là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp thừa kế. Tòa sơ thẩm xử tôi thua kiện nên tôi kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Vừa qua, tòa này mở phiên xử tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng. Thế nhưng tại sao tòa phúc thẩm không chịu xử án luôn mà lại giao vụ án về cho tòa sơ thẩm xử lại? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Chân thành cảm ơn!
Tòa án cấp phúc thẩm có quyền giữ nguyên, sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm. Đây là quy định tại Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sau đây:
1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
2. Sửa bản án sơ thẩm;
3. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
4. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
5. Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
6. Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.
Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng và giao hồ sơ vụ án cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án là đúng quy định nêu trên.
Trên đây là quy định về hủy án sơ thẩm và xét xử lại. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.