Nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi con

Tôi và chồng tôi có chung một đứa con sinh năm 2007, hiện nay vợ chồng tôi có nhu cầu ly hôn. Trong đơn ghi rõ là: nhường quyền nuôi con cho tôi và việc chu cấp do 2 bên tự thỏa thuận. Sau khi lên tòa làm các thủ tục và ghi lời khai tôi có yêu cầu chồng tôi phải chu cấp cho con nhưng thư ký tòa lại hướng dẫn tôi ghi lại là, không cần trợ cấp của chồng. Khi đó vì muốn nhanh chóng ly hôn và cũng có tâm lý chấp nhận nuôi con một mình nên tôi đã làm theo. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, tôi được biết luật HNGĐ có quy định sau khi ly hôn bên không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ chu cấp cho con đến tuổi trưởng thành. Như vậy đó là quyền lợi của con tôi, vậy nếu bây giờ yêu cầu cấp dưỡng có được nữa không? Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết tòa lại bắt buộc đưa con lên tòa để hỏi ý kiến. Xin hỏi việc này cần thiết không khi chúng tôi không hề có tranh chấp giành quyền nuôi con và chồng tôi ghi rõ trong đơn là nhường quyền nuôi con cho tôi?

Đúng như bạn tìm hiểu, khoản 2 điều 82 luật hôn nhân và gia đình (HNGĐ) quy định rõ cha/ mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Mặt khác, hai bạn hiện tại đang tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình và dù trong tờ khai đã ghi là không yêu cầu cấp dưỡng nhưng trong quá trình giải quyết việc ly hôn, bạn vẫn có thể bổ sung yêu cầu về cấp dưỡng. Việc bổ sung yêu cầu cấp dưỡng được thực hiện như thế nào phụ thuộc vào từng giai đoạn giải quyết vụ việc.

Do bạn không nêu rõ hiện tại việc ly hôn đã được giải quyết đến giai đoạn nào, nhưng qua nội dung câu hỏi, bạn còn đang cân nhắc về việc đưa con đến tòa để hỏi ý kiến về việc cháu bé muốn ở với cha hay mẹ sau khi ly hôn chứng tỏ việc ly hôn chưa giải quyết xong. Cho nên, để đơn giản hóa vấn đề bạn nên thương lượng trước với chồng về vấn đề cấp dưỡng. Bởi ban đầu chồng bạn viết trong đơn là mức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận nghĩa là chồng bạn cũng biết và cũng có y định cấp dưỡng cho con. Nên nếu các bên thỏa thuận được thì không cần thiết phải bổ sung yêu cầu.

Trường hợp không thỏa thuận được thì trong phiên hòa giải, hoặc trong thời gian 7 ngày sau khi có biên bản hòa giải đoàn tụ không thành bạn có thể bổ sung/ đưa ra yêu cầu cấp dưỡng. Lúc này việc ly hôn của bạn sẽ chuyển thành vụ án ly hôn do các bên có tranh chấp chứ không tiến hành thủ tục giải quyết việc ly hôn nữa. Theo đó thời gian giải quyết vụ án ly hôn sẽ dài hơn so với thời gian giải quyết việc ly hôn (khoảng từ 4 đến 6 tháng thay vì chỉ 27 ngày làm việc nếu chỉ giải quyết việc ly hôn).

Ngoài ra, về yêu cầu của tòa án bắt buộc đưa con chung đến tòa để hỏi ý kiến thì theo quy định tại khoản 2 điều 81 luật HNGĐ, mặc dù hai bạn đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Nhưng nếu con chung của hai bạn đã đủ 07 tuổi trở lên thì vẫn phải tôn trọng và xem xét nguyện vọng của cháu bé. Đây là thủ tục bắt buộc do vậy tòa án yêu cầu như vậy là đúng theo quy định của pháp luật.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
190 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào