Ðiều kiện bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống?

Ðiều kiện bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống?* Nguyên tắc định giá bất động sản? * Trường hợp được miễn thực hiện chế độ tập sự đối với viên chức? * Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo? * Quy định mới về nguyên tắc dạy thêm, học thêm?

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản xuất thực phẩm an toàn; Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có liên quan đến an toàn thực phẩm; Tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt; Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường. Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.

* Bộ Tài chính: Số liệu cần thiết để tính toán phải thu thập trên thị trường trong điều kiện bình thường, được lựa chọn, phân tích bảo đảm tính chính xác và có độ tin cậy cao; trong trường hợp thu thập được đầy đủ thông tin, số liệu để áp dụng cả bốn phương pháp, thì sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp là chủ yếu. Trong các trường hợp sau thì phải sử dụng tối thiểu hai phương pháp để kiểm tra, so sánh, đối chiếu: việc chuyển nhượng chưa diễn ra phổ biến trên thị trường, số liệu thu thập không có tính hệ thống, không mang tính đại diện cao; giá chuyển nhượng biến động thất thường, không phản ánh cung cầu trong điều kiện bình thường.

* Bộ Nội vụ: Người trúng tuyển viên chức được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện: đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên; trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng. Người được tuyển dụng đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu không đủ các điều kiện quy định thì phải thực hiện chế độ tập sự. Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.

* Bộ Xây dựng: Theo Ðiều 7 Thông tư số 10 ngày 20-12-2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64 ngày 4-9-2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng, thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo, gồm: Ðơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở, theo mẫu tại Phụ lục số 16 Thông tư này. Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc giấy tờ về quyền quản lý, sử dụng công trình. Các bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình được cải tạo có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10x15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo. Ðối với các công trình di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.

* Bộ Giáo dục và Ðào tạo: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Ðối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
311 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào