Đánh ghen thế nào mới đúng pháp luật?

Anh rể đang ngoại tình, chị tôi không biết nên đánh ghen thế nào để không bị khép tội làm nhục người khác. Anh rể tôi khá lăng nhăng, dù vợ đã nhiều lần tha thứ nhưng chứng nào tật ấy. Hiện, anh rể đã chuyển sang ở hẳn với một người tình, không quan tâm đến vợ con. Chị tôi rất bức xúc và muốn qua chỗ họ để làm cho ra nhẽ. Trong trường hợp này, đánh ghen thế nào để không bị khép tội Làm nhục người khác hay gây rối trật tự công cộng?

"Đánh ghen" không phải là khái niệm được pháp luật quy định, chỉ là tên gọi do người dân tự đặt ra để chỉ hành vi bằng lời nói hoặc hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ/chồng của mình... hoặc các đối tượng có liên quan khác. Pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc "đánh ghen", cũng như không quy định thế nào là "đánh ghen" hợp pháp. 

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người thực hiện việc "đánh ghen" có hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự (nếu có). 

Đối chiếu với trường hợp của chị gái bạn, khi đến gặp cô gái ngoại tình với chồng mình thì không được thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: có lời nói xúc phạm, chửi bới, lăng mạ hoặc gây thương tích...

Trong trường hợp này, thay vì "đánh ghen" thì chị bạn có thể chọn cách giải quyết phù hợp hơn là thu thập chứng cứ về việc ngoại tình của anh chồng và cô gái kia, sau đó tố cáo đến cơ quan công an hoặc Chủ tịch UBND cấp xã/phường để các cơ quan này xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai người này. Cụ thể như sau: 

- Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013, người nào có hành vi: a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;..." sẽ bị phạt tiền từ một đến 3 triệu đồng. 

- Về xử lý hình sự: Người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng" theo Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
694 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào