Cảnh sát có được đạp xe người vi phạm luật giao thông?

Khi người vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh mà phóng bỏ chạy, cảnh sát làm nhiệm vụ có được truy đuổi, đạp, đánh để bắt dừng lại hay không?

Gần đây, tình hình vi phạm luật lệ giao thông có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối với người điều khiển mô tô, xe máy. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính ngày càng có các chế tài nghiêm khắc hơn nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.

Trường hợp người lái xe máy không đội mũ bảo hiểm cố tình lạng lách, chạy ngược chiều tốc độ cao mà báo chí phản ánh là một trường hợp điển hình. Việc vi phạm rất nghiêm trọng và cũng vô cùng nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện cũng như những người tham gia giao thông xung quanh.

Tuy nhiên, hành động chiến sĩ cảnh sát giao thông giơ chân để ngăn chặn người lái xe nhưng lại làm họ ngã nhào đã đặt ra vấn đề pháp lý là liệu cảnh sát giao thông có được làm vậy không? Pháp luật có quy định gì về những hành vi cảnh sát giao thông không được làm?

Để trả lời câu hỏi này không thể chỉ dựa vào Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này được bởi luật này chỉ điều chỉnh các vi phạm mang tính chất vi phạm hành chính của người tham gia giao thông và của người thực thi công vụ (cảnh sát giao thông). Bất kỳ vi phạm nào liên quan lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt…) mà thỏa mãn các dấu hiệu hình sự thì sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự với các tội danh tương ứng.

Về hành vi ngăn chặn, Bộ luật Hình sự đã có quy định về phòng vệ chính đáng. Theo đó, phòng vệ chính đáng được hiểu là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Trường hợp chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Với quy định nói trên, việc chiến sĩ cảnh sát giơ chân để ngăn chặn người vi phạm có được coi là hợp pháp hay không phụ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của người lái xe. Cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất, người lái xe máy có dấu hiệu phạm tội hình sự (trước đó gây tai nạn làm thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác) thì việc giơ chân (hoặc đạp ngã), thậm chí dùng gậy vụt cũng không bị coi là trái pháp luật mà đây được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng. Thực tế hoạt động trấn áp tội phạm, đặc biệt khi bắt giữ kẻ phạm tội thì người thực thi công vụ cũng như người dân đều có thể gây thương tích cho người bị bắt giữ ở mức độ nhất định (chống trả lại một cách cần thiết) và pháp luật không coi đây là hành vi trái pháp luật).

Tuy nhiên, trường hợp giơ chân mà làm người điều khiển bị ngã dẫn đến hậu quả người đó tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Người có hành vi vượt quá phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp thứ hai, người điều khiển xe máy không có dấu hiệu phạm tội hình sự mà hành vi của họ chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính thì hành vi giơ chân hoặc đạp ngã không được coi là phòng vệ chính đáng bất luận có gây thương tích cho người vi phạm hay không.

Việc người vi phạm không bị thương tích, không bị thiệt mạng là ngẫu nhiên chứ bản thân chiến sĩ cảnh sát giao thông phải biết được hành vi của họ là rất nguy hiểm cho người lái xe, có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người lái xe, thậm chí cho cả những người xung quanh.

Do vậy, cách thức ngăn chặn này của chiến sĩ cảnh sát giao thông không được pháp luật cho phép mặc dù động cơ của người chiến sĩ là rất tốt.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
218 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào