Lập trang web giả mạo có bị đi tù không?
Pháp luật chưa quy định cụ thể thế nào là hành vi giả mạo trang thông tin điện tử (website). Tuy nhiên, trên thực tế hành vi giả mạo website thường đi kèm mục đích chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân... và đã được pháp luật chuyên ngành quy định khá chi tiết, đầy đủ. Dưới góc độ pháp lý, việc giả mạo là thủ đoạn để việc chiếm đoạt được dễ dàng.
Thực tiễn xử lý các vi phạm liên quan hành vi chiếm đoạt từ các website giả mạo thì việc giả mạo website thường được hiểu là sự sao chép hình thức (giao diện) và/hoặc nội dung của website chính thức của cơ quan, tổ chức khác mà không trích dẫn, chú thích nguồn tin nhằm làm cho người truy cập lầm tưởng đó là trang web “thật” để trục lợi.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo các quy định sau:
a. Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích đánh cắp quyền truy cập tài khoản, đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xem xét về hành vi trộm cắp tài sản. Nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng có thể bị xử phạt hành chính. Nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị trên 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính trước đó về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội Chiếm đoạt mà chưa được xóa án tích thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự.
b. Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản (người truy cập máy tính lầm tưởng là website thật mà tự nguyện chuyển tiền, giao tài sản) thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Điều 139, số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu về tội này.
c. Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích phát tán vi-rút máy tính, phần mềm gây hại hoặc đoạn mã gây hại (mã độc): Theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi này bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng.
Việc phát tán vi-rút, phần mềm gây hại hoặc mã độc có thể vì một trong các mục đích sau: thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số; thu thập thông tin của người khác; xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số; ngăn chặn khả năng của người sử dụng xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng những phần mềm không cần thiết; chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số; thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số; các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng.
Trường hợp phát tán vi-rút, phần mềm gây hại hoặc mã độc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm này mà bị xử lý theo quy định tại điểm a hoặc b nói trên.
d. Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích phát tán vi-rút máy tính và đã gây rối loạn hoạt động, phong tỏa hoặc làm biến dạng, hủy hoại các dữ liệu của máy tính hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi-rút tin học được quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Ngoài chế tài trực tiếp mà người vi phạm phải gánh chịu trước pháp luật thì người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại (nếu có) và phải khôi phục lại thiết bị như tình trạng ban đầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyền sở hữu công nghiệp gồm các quyền nào?
- Từ 01/01/2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm có phải thi lại không?
- Công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian này có tính để đánh giá xếp loại không?
- Từ 1/1/2025, tốc độ tối thiểu khi chạy xe trên đường cao tốc là 60 km/h?
- Trường hợp nào được áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất?