Việt kiều được mang bao nhiêu hàng hóa, tiền mặt về Việt Nam?
Theo quy định pháp luật Việt Nam, cá nhân khi nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bao gồm các cửa khẩu đường bộ quốc tế, đường hàng không quốc tế, đường biển quốc tế, đường sông quốc tế bằng hộ chiếu và các giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ khẩu được mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt và các hàng hóa nhưng phải tuân thủ các quy định về khai báo và số lượng hàng hóa theo quy định cụ thể sau:
Về tiền mặt được miễn thuế
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:
a) 5.000 USD (năm nghìn đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
b) 15.000.000 VNĐ (mười lăm triệu đồng Việt Nam).
Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối cũng phải khai báo hải quan cửa khẩu.
Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán. Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo với Hải quan cửa khẩu không áp dụng đối với những cá nhân mang theo loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013 của Văn phòng Quốc hội về Pháp lệnh Ngoại hối, người cư trú, người không cư trú là cá nhân khi nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt và vàng trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì phải khai báo hải quan cửa khẩu.
Trường hợp cá nhân không khai báo khi mang theo số tiền mặt vượt mức nêu trên, trong trường hợp bị phát hiện, căn cứ vào số tiền mặt vượt mức, bạn có thể bị xử phạt với mức phạt quy định Điều 9 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/1993 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tang vật vi phạm được trả lại khi quyết định xử phạt đã được thực hiện.
Hàng hóa miễn thuế
Theo điểm a.2 Khoản 5 Điều 103 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015: hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất nhập cảnh.
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu vượt tiêu chuẩn được miễn thuế thì phần vượt định mức phải nộp thuế nhập khẩu. Nếu tổng số tiền thuế phải nộp đối với phần vượt dưới 100.000 đồng thì được miễn thuế cả phần vượt. Người nhập cảnh được chọn vật phẩm để nộp thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.
Để quy định chi tiết vấn đề này, Điều 3 Quyết định 31/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 nêu rõ cá nhân được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng khi nhập cảnh nếu mang theo hành lý với định mức như sau:
Rượu, đồ uống có cồn: - Rượu từ 22 độ trở lên : 1,5 lít;
- Rượu dưới 22 độ : 2,0 lít;
- Đồ uống có cồn, bia : 3,0 lít
Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can có dung tích lớn hơn dung tích nêu trên nhưng dung tích vượt không quá 1 lít thì được miễn thuế cả chai, nếu dung tích vượt quá 1 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định pháp luật.
Thuốc lá: - Thuốc lá điếu : 200 điếu
- Xì gà : 100 điếu
- Thuốc lá sợi : 500 gam
Đối với thuốc lá điếu, xì gà, người nhập cảnh chỉ được mang theo đúng định mức miễn thuế. Nếu mang vượt quá định mức miễn thuế thì phần vượt quá phải tạm gửi tại kho của Hải quan cửa khẩu và nhận lại trong thời hạn không quá 180 ngày, kể từ ngày được gửi vào kho của Hải quan cửa khẩu.
Các định mức về rượu, đồ uống có cồn; thuốc lá nêu trên không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi.
Đồ dùng cá nhân: số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi.
Các vật phẩm khác ngoài danh mục hàng hóa nêu trên và không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện: Tổng trị giá không quá 10.000.000 đồng Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu vượt tiêu chuẩn được miễn thuế thì phần vượt định mức phải nộp thuế nhập khẩu. Nếu tổng số tiền thuế phải nộp đối với phẩn vượt dưới 100.000 đồng thì được miễn thuế đối với cả phần vượt. Người nhập cảnh được chọn vật phẩm để nộp thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.
Như vậy, với những quy định pháp luật đã viện dẫn trên, bạn có thể xem xét và tùy vào nhu cầu bản thân mà quyết định số tiền mặt và hàng hóa mang theo khi nhập cảnh về Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?