Bị người khác đến nhà đập phá đồ đạc, hành hung thì xử lý như thế nào?

Chồng tôi giấu gia đình vay tiền xã hội đen cờ bạc tôi không hay biết. Đến khi không trả được thì bọn họ dẫn giang hồ đến hành hung, đòi chém giết, lấy đồ đạc trong nhà trừ nợ. Như vậy tôi có được gửi đơn nhờ cơ quan có thẩm quyền để can thiệp không?

Theo quy định của pháp luật thì việc đe dọa tính mạng và thân thể, làm nhục con nợ và gia đình con nợ là vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính. Cụ thể:

1. Đối với hành vi đe dọa giết người

Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự thì người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Đối với hành vi hành hung, cố ý gây thương tích

Nếu các chủ nợ thuê, hoặc tự mình gây thương tích cho con nợ thì vi phạm điều 104 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Trường hợp chưa đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó người nào có hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

3. Đối với hành vi lấy đồ đạc của nhà bạn

Theo quy định tại Điều 135 của Bộ luật Hình sự thì người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản và bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 135 thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 135 thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 135 thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, gia đình bạn có thể tố giác hành vi của nhóm người trên theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật Tố tụng hình sự, theo đó, công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
355 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào