Quy định về thường trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2000 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam thuộc một trong những trường hợp sau đây được xem xét, giải quyết cho thường trú:
- Là người đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc vì chủ nghĩa xã hội, vì dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại;
- Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.
Đối chiếu với trường hợp của bạn: bạn là người nước ngoài nhưng có vợ là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nên bạn thuộc trường hợp được xem xét, giải quyết cho thường trú tại Việt Nam.
Để được thường trú tại Việt Nam, bạn phải làm thủ tục tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an. Trong trường hợp bạn đủ điều kiện được thường trú tại Việt Nam thì bạn sẽ được Cơ quan xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp Thẻ thường trú theo Điều 14 Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 (không phải là được đăng ký vào sổ hộ khẩu gia đình như bạn hỏi).
Bạn có thể làm thủ tục xin cấp Thẻ thường trú theo hướng dẫn tại Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 04/2002/TTLT/BCA-BNG ngày 29/01/2002 hướng dẫn Nghị định số 21/2001/NĐ-CP như sau:
- Cơ quan đăng ký: Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi bạn xin thường trú.
- Hồ sơ gồm:
+ 2 đơn xin thường trú theo mẫu do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành, kèm theo 4 ảnh;
+ 2 bản lý lịch tư pháp có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc của nước mà người đó có nơi thường trú;
+ Công hàm của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân đề nghị giải quyết cho người đó được thường trú tại Việt Nam;
+ Giấy tờ chứng minh là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam;
+ 2 bản chụp hộ chiếu;
+ Các giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có).
Các giấy tờ nêu trên (trừ đơn xin thường trú, công hàm, hộ chiếu) phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc hợp pháp hóa theo quy định.
- Thủ tục:
+ Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra, xác minh và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định. Trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung, thì thời gian có thể được kéo dài thêm nhưng không quá 3 tháng.
+ Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người xin thường trú biết quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an; nếu được Bộ trưởng Bộ Công an chấp thuận, thì thông báo công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó xin thường trú để chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc cấp thẻ thường trú.
+ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) cấp thẻ thường trú trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
- Bạn lưu ý theo Mục VII Thông tư 04/2002/TTLT/BCA-BNG việc cấp thẻ thường trú quy định:
+ Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nếu được chấp thuận cho thường trú tại Việt Nam, bạn phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi thường trú để nhận thẻ thường trú. Quá thời hạn nói trên, bạn không đến nhận thẻ mà không có lý do chính đáng, thì thẻ thường trú mặc nhiên hết giá trị.
+ Định kỳ 3 năm một lần, bạn phải mang theo thẻ đến trình diện tại cơ quan cấp thẻ để được đổi thẻ mới. Nếu không trình diện theo quy định, thì có thể bị thu hồi thẻ thường trú.
+ Trường hợp có nhu cầu thay đổi nội dung ghi trong thẻ thường trú người thường trú phải nộp đơn tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi thường trú.
+ Người nước ngoài thường trú phải khai báo tạm trú với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền thuộc Bộ Công an nếu nghỉ qua đêm ngoài địa chỉ thường trú đã đăng ký.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?