Khái niệm di chúc bằng văn bản là gì ?
Di chúc bằng văn bản là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết (viết tay, đánh máy, in) có chứng nhận hoặc không có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các di chúc được thể hiện bằng hình thức văn bản phải đáp ứng các yêu cầu chung về nội dung, đồng thời mỗi hình thức cụ thể của di chúc viết phải tuân theo một trình tự tương ứng. Để bản di chúc thể hiện dưới hình thức bằng văn bản có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể, người lập di chúc cần phải đáp ứng các yêu cầu về nội dung đối với mọi di chúc viết như sau:
– Di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc
Đây là một nội dung hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực trong việc xác định tính hiệu lực của di chúc, vì thông qua ngày, tháng, năm lập di chúc sẽ xác định được tại thời điểm đó người lập di chúc có năng lực hành vi dân sự, minh mẫn, sáng suốt hay không… Mặt khác, trong trường hợp người quá cố để lại nhiều bản di chúc thì sẽ căn cứ vào ngày tháng năm trong di chúc để chúng ta xác định đâu là biểu hiện ý chí sau cùng của người chết và là di chúc có hiệu lực pháp luật. Vì theo quy định tại khoản 5 điều 667 BLDS thì “khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật” do vậy tất cả những bản di chúc lập trước đều bị hủy bỏ. Bản di chúc sau cùng thể hiện ý chí sau cùng mới có hiệu lực pháp luật.
– Di chúc phải ghi rõ họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc
Theo quy định của pháp luật thì địa điểm mở thừa kế, thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi có tranh chấp đều được xác định thông qua nơi cư trú của người lập di chúc do đó di chúc phải xác định rõ nơi cư trú của người lập di chúc là một yêu cầu quan trọng. Hơn nữa do di chúc là sự thể hiện ý chí đơn phương của một bên chủ thể trong một giao dịch dân sự nên cần phải ghi rõ họ tên đầy đủ của người thể hiện ý chí đó.
– Di chúc phải ghi rõ họ, tên người, tên cơ quan, tổ chức được hưởng di sản
Khác với những người hưởng thừa kế theo pháp luật là những người nằm trong diện, hàng thừa kế có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật trong khi những người được hưởng thừa kế theo di chúc lại không bị giới hạn phạm vi như trên. Những người được hưởng thừa kế theo di chúc cũng có thể là tổ chức, cá nhân bất kì, bằng ý chí của mình lập di chúc có thể định đoạt cho bất kì ai hưởng di sản của mình.
– Di chúc phải ghi rõ di sản và nơi có di sản
Di sản thừa kế chỉ là những di sản thuộc sở hữu của người chết, và chỉ với những tài sản thuộc sở hữu của mình thì người lập di chuc mới định đoạt người thừa kế. Do vậy nếu di sản được ghi rõ ràng trong di chú sẽ giúp chúng ta xác định được người lập di chúc họ có những tài sản nào và được phân định ra sao.
+ Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 điều 633 BLDS có quy định: “… nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản” nên việc ghi rõ nơi có di sản là rất cần thiết, hơn nữa nhờ vào địa điểm ghi trong di sản mà những người được thừa kế dễ dàng xác định được địa điểm tồn tại của di sản sau khi người lập di chúc chết.
– Di chúc phải ghi rõ việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ
Theo nguyên tắc chung, tất cả những người hưởng di sản thừa kế đều phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trên cơ sở tương ứng với kỉ phần tài sản mà họ được hưởng. Ngoài ra việc giao nghĩa vụ cho những người thừa kế là một trong những quyền định đoạt của người lập di chúc. Vì vậy trong di chúc, người lập di chúc có thể giao nghĩa vụ riêng cho từng người được hưởng thừa kế để họ thực hiện, người lập di chúc phải ghi rõ cơ quan cá nhân tổ chức nào thực hiện nghĩa vụ mà người chết để lại. Tuy nhiên nếu trong di chúc mà không có sự định đoạt nghĩa vụ riêng cho từng người thì tất cả những người hưởng thừa kế sẽ cùng nhau thực hiện nghĩa vụ mà người lập di chúc để lại.
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng kí hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ kí hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Do di chúc là sự thể hiện ý chí của người chết, vì vậy để di chúc được rõ ràng cụ thể, tránh sự tranh cãi giữa những người thừa kế về sau này thì người lập di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng kí hiệu để biểu đạt ý chí của mình.
Ngoài ra pháp luật còn quy định để đảm bảo tính khách quan và chính xác cho bản di chúc và ý chí của người lập trong trường hợp bản di chúc có nhiều trang thì phápluật yêu cầu người lập di chúc phải đánh số trang theo thứ tự và phải kí hoặc điểm chỉ vào từng trang của di chúc nhằm tránh tình trạng người khác thêm, bớt, giả mạo hoặc thay thế từng trang của di chúc làm sai lệch ý chí của người lập di chúc.
Di chúc bằng văn bản gồm các loại sau:
+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Loại di chúc này được quy định tại Điều 655 Bộ luật dân sự 2005: “Người lập di chúc phải tự viết tay và kí vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của bộ luật này”.
+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải kí hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ kí, điểm chỉ của người lập di chúc và kí vào bản di chúc. Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 653 và Điều 654 của bộ luật này”( Điều 655).
+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhân của công chứng nhà nước (quy định cụ thể tại Điều 658)
+ Ngoài ra, theo Điều 660 Bộ luật dân sự 2005 còn quy định một số di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc đã được chứng nhận, chứng thực. Pháp luật dân sự Việt Nam đã dự liệu các trường hợp người lập di chúc không thể đến các cơ quan công chứng hoặc UBND để chứng thực, chứng nhận di chúc, thì nhứng người có thẩm quyền chứng nhận theo quy định tại Điều 660 của Bộ luật dân sự 2005 như sau:
– Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng chứng thực
Xuất phát từ lí do do người lập di chúc là quân nhân đang làm nhiệm vụ, đóng quân ở xa nơi công chứng, chứng thực hoặc do nhiệm vụ đặc biệt. Mặt khác quyền lập di chúc là quyền luôn được pháp luật ưu tiên và đảm bảo thực hiện vì vậy với những lí do chính đáng mà cá nhân không thể lập di chúc theo thủ tục chứng thực thì di chúc của họ chỉ cần có xác nhận là vẫn có hiệu lực pháp luật.
– Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó
Quy định này mang tính chất dự phòng do đặc thù của 2 loại phương tiện trên khiến cho những hành khách trên phương tiện không có khả năng tiền hành công chứng và chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền được khi mà hai phương tiện này chưa cập cảng hoặc hạ cánh. Do vậy trong trường hợp cá nhân đang đi lại hoặc làm việc trên 2 phương tiện này nếu có nhu cầu làm di chúc thì chỉ cần cơ trưởng hoặc thuyền trưởng có thẩm quyền xác nhận di chúc trong lúc máy bay chưa hạ cánh hoặc tàu biển chưa cập bến là bản di chúc đó cũng được thừa nhận và có hiệu lực pháp luật.
– Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dướng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.
Khi đã nằm viện hoặc ở trong cơ sở chữa bệnh thì họ có thể bị ốm đau bệnh tật, vì vậy khi có nhú cầu lập di chúc thì dù cơ sở chữa bệnh hoặc bệnh viện có gần cơ sở công chứng, chứng thực nhưng họ cũng không thể đến để yêu cầu công chứng chứng thực di chúc được do vậy nếu di chúc trong hoàn cảnh trên thì chỉ cần có xác nhận của người phụ trách bệnh viện hoặc cơ sở chữa bệnh tại nơi họ đang điều trị.
– Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị
Do yêu cầu công việc mà nhiều người đang phải làm việc ở những nơi mà điều kiện cho việc công chứng, chứng thực gặp nhiều khó khăn. Công việc tại vùng rừng núi hải đảo không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, thuyền xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Vì thế, pháp luật đã quy định trong điều kiện trên nếu cá nhân muốn lập di chúc thì chỉ cần có xác nhận của Tổ trưởng tổ công tác hoặc Trưởng nhóm nghiên cứu là được.
– Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó
Để đảm bảo cho tất cả mọi công dân được bình đẳng thực hiện quyền như nhau thì những công dân Việt Nam đang làm việc, sinh sống, học tập ở nước ngoài cũng có quyền lập di chúc và chỉ cần có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giaio của Việt Nam ở nước đó là có hiệu lực pháp luật.
– Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.Do tính chất của hoạt động tố tụng nên những người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh không thể tự do đi lại được. Vì thế nếu những người này muốn lập di chúc thì chỉ cần trong di chúc có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó là có giá trị pháp lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?