Phạm tội đào nhiệm thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự
Phạm tội đào nhiệm thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự là các trường hợp phạm tội có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù. Cụ thể như sau:
a) Lôi kéo người khác đào nhiệm
Lôi kéo người khác đào nhiệm là bằng mọi cách để người khác nghe theo và đứng về phía mình, cùng mình đào nhiệm.
Cách thức mà người phạm tội sử dụng có thể là hăm dọa, dụ dỗ, mua chuộc…để người khác cùng đào nhiệm với mình.
Nếu người phạm tội dùng vũ lực, khống chế làm cho người khác tê liệt ý chí, không có khả năng kháng cự phải cùng đào nhiệm với mình thì không phải là lôi kéo, mà tùy từng trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt người phạm tội hoặc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi lôi kéo, nhưng người bị lôi kéo không nghe theo và không đào nhiệm thì về nguyên tắc, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết ‘lôi kéo người khác đào nhiệm”nhưng ở giao đoạn phạm tội chưa đạt.
b) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội
Điểm b khoản 2 của Điều luật quy định ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Pham tội trong hoàn cảnh chiến tranh; phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai và phạm tội trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác. Do đó, khi áp dụng điểm b khoản 2 của điều luật cần chú ý:
Chỉ cần người phạm tội có một trong ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nêu trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự.
Người phạm tội trong hoàn cảnh nào, thì xác định trong hoàn cảnh đó, không xác định một cách chung chung; trong bản án cần xác định rõ người phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hay trong hoàn cảnh đặc biệt khác của xã hội.
Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh:
Đào nhiệm trong hoàn cảnh chiến tranh là trường hợp cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ ở nơi có chiến sự xảy ra đã từ bỏ nhiệm vụ của mình. Người phạm tội có thể bỏ nơi đang có chiến sự về nơi không có chiến sự hoặc tuy vẫn ở nơi có chiến sự nhưng từ bỏ nhiệm vụ được giao.
Hiện nay đất nước không có chiến tranh, nên tình tiết này nhà làm luật quy định có tính chất dự phòng. Tuy nhiên, nếu cán bộ, công chức được nhận nhiệm vụ làm chuyên gia cho nước bạn, mà nước đó có chiến tranh xảy ra, chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền mà người cán bộ, công chức đó từ bỏ nhiệm vụ để về nước hoặc chạy sang nước khác, thì vẫn bị coi là đào nhiệm trong hoàn cảnh chiến tranh.
Phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai:
Đào nhiệm trong hoàn cảnh thiên tai là trường hợp cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ ở nơi có thiên tai đã từ bỏ nhiệm vụ của mình.
Thiên tai là những tai họa do thiên nhiên gây ra, thiên tai bao giờ cũng gây ra những khó khăn cho xã hội. Những khó khăn này phải đáng kể nếu không nói là đặc biệt, như bị bão lụt, bị động đát. Trong lúc nhà nước đang cần sức người sức của để giải quyết những hậu quả do thiên nhiên gây ra thì cán bộ, công chức lại từ bỏ nhiệm vụ của mình ở nơi có thiên tai, càng làm cho tình tình gặp khó khăn hơn.
Phạm tội trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội
Ngoài khó khăn do thiên tai, địch họa gây nên, còn có những khó khăn này, có thể xảy ra từng nơi, vào từng lúc.
Có thể xảy ra ở một địa bàn rộng, nhưng cũng có thể xảy ra ở một làng, một xã, một cơ quan, xí nghiệp, trường học,…Ví dụ: Nguyễn Xuân K là bác sỹ bệnh viện B được phân công cùng với Đoàn cán bộ y tế đến khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây nên ở huyện M tỉnh H, nhưng do không chịu được khó khăn nên K đã bỏ về, gây khó khăn cho việc cứu chữa các bệnh nhân bị dịch bệnh. Khó khăn đặc biệt, thể hiện ở mức độ và phạm vi gây thiệt hại đến người và tài sản. Việc khắc phục đòi hỏi phải tập trung sức người, sức của và phải kịp thời, cấp bách như: dịch bệnh, tai nạn máy bay, tàu biển, tàu hỏa gây chết nhiều người, hư hại nhiều tài sản, những khó khăn đặc biệt do công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội gây nên mà nhà làm luật chưa dự tính được.
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
Đào nhiệm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp do đào nhiệm mà đã gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Những thiệt hại này có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; thiệt hại về tài sản và những thiệt hại khác.
Điểm c khoản 2 của điều luật cũng quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì cách quy định này chưa thật khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cần phân biệt hai trường hợp phạm tội này để quyết định hình phạt cho chính xác.
Khi áp dụng khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự, Tòa án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều luật, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng , phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù). Nếu đủ điều kiện quy định tại Điều 60 thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể phạt tới 7 năm tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?