Tôi có được yêu cầu chuyển thi hành án không?

Tôi cho ông A vay số tiền là 300.000.000đ, TAND huyện đã thụ lý hồ sơ và yêu cầu ông A thanh toán cho tôi số tiền gốc và lãi. Tôi đã gửi đơn sang thi hành án nhờ thi hành bản án. Khi đó CCTHA có gọi từng bên đến để lập biên bản: ông A chỉ xin trả mỗi tháng 30.000.000 đồng đến khi hết nợ. Phía tôi, do tôi có xác định được số tài sản và điều kiện THA của ông A nên tôi không đồng ý và chỉ cho thanh toán chậm 2 tháng, đến tháng thứ 3 thì trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi cho tôi. (Bên CCTHA cũng đã đi xác minh số tài sản của ông A và thông báo kết quả). Tuy nhiên từ đó đến nay đã 3 tháng ông A mới chỉ thanh toán cho tôi đúng 60.000.000đồng, còn lại không thanh toán cho tôi theo như tôi yêu cầu. Vậy, xin quý cơ quan tư vấn giúp: 1. Tôi có quyền gửi đơn lên cấp cao hơn để nhờ THA hay không (do tôi biết ông A có mối quan hệ rất rộng nên đó cũng là nguyên nhân làm việc THA chậm chạp) và tôi có thể gửi đơn tới cơ quan nào? 2. Tôi xin hỏi trong mức phí THA, có phải sẽ bao gồm 2 loại: phí thi hành án và phí xác minh tài sản không? và hai loại đó thu sẽ có biên lai hay giấy tờ gì chứng minh (vì THA đã thu của tôi số tiền là 8.000.000 cho tổng số tiền thu được là 60.000.000đồng nhưng chưa có biên lai gì cả). 3. Tôi có quyền yêu cầu THA kê biên tài sản của ông A để trả cho tôi không, thời gian kéo dài như vậy thì rất khó cho tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn quý cơ quan đã trợ giúp!

Thứ nhất, về thẩm quyền thi hành án, Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:

1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

2. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn;

b) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

c) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

d) Quyết định của Trọng tài thương mại;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;

e) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;

g) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

h) Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án.

Như vây, trường hợp của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án và cơ quan thi hành hành án dân sự cấp trên sẽ không thụ lý giải quyết thi hành vụ việc của bạn. Nếu bạn chứng minh được Chấp hành viên đang trực tiếp giải quyết vụ việc cố tình không tổ chức thi hành án cho bạn thì bạn có quyền gửi đơn khiếu nại tới thủ trưởng cơ quan thi hành án  nơi Chấp hành viên đang giải quyết vụ việc để được giải quyết. Nếu vẫn tiếp tục không được giải quyết thỏa đáng thì bạn gửi đơn kiến nghị sự việc lên cơ quan thi hành án dân sự cấp trên để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về phí thi hành án dân sự

 Điều 60 Luật Thi hành án dân sự quy định: Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự. Chính phủ quy định mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự.

Quy định cụ thể về mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án được quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 13/7/2009:

1. Mức phí thi hành án là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.

Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị của tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án dân sự chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu phí thi hành án để thực hiện việc thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án.

Người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản để thu phí do người được thi hành án chi trả.

Như vậy, phí thi hành án bạn phải nộp là 3% trên số tiền thực nhận (cụ thể là 60.000.000đ x 3% = 1.800.000đồng).

Ngoài ra, người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 184 ngày 19/12/2011:

a) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự đối với trường hợp người được thi hành án có đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án, người được thi hành án chịu các chi phí:

- Chi tiền công tác phí cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án.

- Chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình xác minh điều kiện thi hành án.

- Các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án.

Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 184 ngày 19/12/2011 quy định về mức chi cưỡng chế thi hành án: Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án; những người trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ:

- Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: Mức 50.000 đồng/người/ngày.

- Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: Mức 70.000 đồng/người/ngày.

Như vậy, theo quy định thì bạn phải nộp phí xác minh về điều kiện thi hành án. Mức phí xác minh điều kiện thi hành án là 70.000 đồng/người/ngày.

Và về thủ tục thu phí thi hành án:

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu phí thi hành án để thực hiện việc thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án. Như vậy, bạn chỉ phải nộp phí thi hành án khi có quyết định thu phí của thủ trưởng cơ quan thi hành án.

Hình thức thu phí: Theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính quy định thì việc thu tiền phải thông qua chứng từ, biên lai. Khi thu tiền phí cho Ngân sách nhà nước cơ quan thi hành án phải sử dụng mẫu Biên lai C30, khi thu tiền sử dụng khác phải sử dụng Biên lai C28.

Thứ ba, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án:

Khoản 2 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường”.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định về việc áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án quy định:

1. Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp.

Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì bạn có quyền yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án. Nhưng tài sản phải thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của người phải thi hành án để đảm bảo cho việc thi hành án theo quy định.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
233 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào