Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như thế nào?

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày Tòa án vào số thụ lý vụ án đến ngày Toà án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tùy theo tính chất của từng loại vụ án mà thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định khác nhau. Quy định này là sự kế thừa các quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Theo quy định tại Điều 179 BLTTDS 2004, thì tuỳ từng loại vụ án mà thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định khác nhau, cụ thể như sau:

Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình (được quy định tại Điều 25 và Điều 27 BLTTDS) là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý. Vì những vụ án này thường có tính chất phức tạp nên nhà làm luật quy định thời hạn chuẩn bị xét xử tương đối dài.

Đối với những vụ án kinh doanh, thương mại và lao động (được quy định tại Điều 29 và 31 BLTTDS) là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. BLTTDS 2004 quy định như vậy là vì những vụ án trên phát sinh từ các quan hệ rất nhạy cảm, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án TA có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 BLTTDS và 1 tháng đối với vụ án kinh doanh, thương mại và lao động quy định tại Điều 29 và Điều 31 BLTTDS.

Theo Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP thì:

“Những vụ án có tính chất phức tạp” là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài…Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả uỷ thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì Thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 của BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

“Trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu… làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

“Lý do chính đáng” quy định tại khoản 3 Điều 179 của BLTTDS được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án có tính chất phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Toà án khác nhau, nên không còn đủ Thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Toà án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái Thẩm phán từ Toà án khác đến… nên cản trở Toà án tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây: công nhận sự thoả thuận của các đương sự; tạm đình chỉ giải quyết vụ án; đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên tòa để xét xử vụ án, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng.

Các công việc chuẩn bị xét xử

Từ khi thu lý vụ án dân sự, Toà án chính thức xác nhận thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án dân sự. Nếu hòa giải không thành, Toà án phải củng cố hoàn thiện hồ sơ vụ án để đưa vụ án ra xét xử ở tại phiên tòa. Các hoạt động này của Toà án được gọi là chuẩn bị xét xử. Các công việc chuẩn bị xét xử chủ yếu của Toà án bao gồm: phân công Thẩm phán giải quyết vụ án; thông báo việc thụ lý vụ án; lập hồ sơ vụ án; quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa hoặc quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.

– Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án

Vì Thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng, cho nên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán có thẩm quyền đã thụ lý vụ án phải phân công một Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án. Việc phân công này là cơ sở để Thẩm phán toàn tâm toàn ý với vụ án đã được giao, để Thẩm phán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tạiĐiều 41 BLTTDS, đảm bảo giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật.

Theo quy định tại Điều 172 BLTTDS thì: “Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án.Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Toà án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu”.

– Thông báo việc thụ lý vụ án

Sau khi đã tiến hành các công việc thụ lý, TA phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án để họ biết được vụ án đã được thụ lý. TA cũng phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc TS đã thụ lý vụ án để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát của mình đối với việc giải quyết vụ án. Theo quy định của Điều 174 BLTTDS, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, TA phải gửi thông báo cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự. Văn bản thông báo phải có các nội dung sau: Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo; Tên, địa chỉ Toà án đã thụ lý vụ án; Tên, địa chỉ của người khởi kiện; Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết; Danh sách tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện; Thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Toà án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có; Hậu quả pháp lý của việc người được thông báo không nộp cho Toà án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu.

Người được thông báo có trách nhiệm nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của nguyên đơn hay người khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo trong thời hạn nhất định, đó là thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trong trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Toà án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Toà án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày nữa. Người được thông báo có quyền thể hiện quan điểm của mình về yêu cầu của người khởi kiện trước Toà án là đồng ý hay bác bỏ yêu cầu này; có quyền yêu cầu Toà án cho xem, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo, theo Điều 176 BLTTDS bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Đây là trường hợp bị đơn kiện lại đối với nguyên đơn, vì vậy Toà án có thể xem xét để giải quyết trong cùng một vụ án để sớm kết thúc việc giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, theo Điều luật này thì yêu cầu phản tố của nguyên đơn chỉ được Toà án chấp nhận trong các trường hợp sau đây:

Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;

Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;

Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Quy định tại Điều 176 BLTTDS nói trên được hướng dẫn tại Khoản 11 Mục II NQ 02/2006 như sau:

Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng về yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết. Trường hợp bị đơn có yêu cầu cùng về yêu cầu của nguyên đơn (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn), thì đây là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn.

Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn và nguyên đơn cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ.

Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Theo Điều 177 BLTTDS, trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu có yêu cầu độc lập thì họ cũng phải làm đơn gửi cho TA và phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp như việc khởi kiện của nguyên đơn. Tuy vậy, họ chỉ có quyền yêu cầu độc lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Việc TA xem xét, giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự được nhanh chóng triệt để, tránh được việc TA phải mở phiên tòa riêng để giải quyết yêu cầu đó trong một vụ án khác.

– Lập hồ sơ vụ án dân sự

Để lập hồ sơ vụ án, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, TA xác định các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án yêu cầu các đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện cung cấp. Khi nhận được các chứng cứ, tài liệu do các đương sự, cá nhân, cơ quan, tô chức cung cấp, TA phải đưa chúng vào hồ sơ vụ án. Thủ tục giao nhận các chứng cứ tài liệu phải được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 84BLTTDS. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án phải được sắp xếp theo thứ tự nhất định để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng và phải có danh mục ghi lại các tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Trong tố tụng dân sự, các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy vậy, trong những trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ để cung cấp cho TA và có yêu cầu thì TA có thể áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ do pháp luật quy định để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự được đúng đắn. Việc thu thập chứng cứ của TA được thực hiện theo quy định tại các điều, từ Điều 85 đến 94 BLTTDS.

– Quyết định đưa vụ án ra xét xử

Khi việc hòa giải vụ án không đạt được kết quả và không có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án thì Toà án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền ra quyết định này. Quyết định này phải có các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 195 BLTTDS và phải gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định. Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối với những vụ án do TA thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại thì TA phải gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho TA.

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, TA làm giấy triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa. Trường hợp nhận được yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa thì tùy từng trường hợp Chánh án TA hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát sẽ xem xét ra quyết định.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
419 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào