Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự được quy định như thế nào?

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự được quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

Điều 179. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:

a) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

c) Đình chỉ giải quyết vụ án;

d) Đưa vụ án ra xét xử.

3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự được hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTP tại Điều 14 đó là:

Điều 14. Thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 179 của BLTTDS

Điều 179 của BLTTDS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; do đó, các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như sau:

1. Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

a) Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án tối đa là:

– Bốn tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của BLTTDS;

– Hai tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của BLTTDS.

b) Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án tối đa là:

– Sáu tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của BLTTDS;

– Ba tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31của BLTTDS.

c) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này mà phiên toà không được mở trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là một tháng nữa.

2. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

3. Về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 179 của BLTTDS mà thời hạn gần hết (thời hạn chuẩn bị xét xử còn lại không quá năm ngày) mà Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa thể ra được một trong những quyết định quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTDS, thì cần phải báo ngay với Chánh án Toà án để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn quy định tại đoạn cuối khoản 1 Điều 179 của BLTTDS và hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra một trong những quyết định quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTDS.

a) “Những vụ án có tính chất phức tạp” là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài,… Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả uỷ thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì Thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 của BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

b) “Trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu,… làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

Ví dụ: Toà án nhân dân huyện X, tỉnh H ở miền núi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong đó đã ấn định ngày mở phiên toà. Tuy nhiên, còn hai ngày nữa là tiến hành mở phiên toà, thì xảy ra lũ quét. Trụ sở của Toà án nhân dân huyện X bị hư hỏng. Do phải khắc phục hậu quả của lũ quét, sửa chữa lại trụ sở, nên Toà án nhân dân huyện X không thể tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

c) “Lý do chính đáng” quy định tại khoản 3 Điều 179 của BLTTDS được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án có tính chất phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Toà án khác nhau, nên không còn đủ Thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Toà án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái Thẩm phán từ Toà án khác đến,… nên cản trở Toà án tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
627 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào