Thi hành án liên đới đối với kỷ phần của người chết
1. Theo quy định tại Điều 298 và 299 Bộ luật Dân sự thì nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ. Nghĩa vụ dân sự đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới. Trong trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” và Điều 2, Điều 5 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự”, thì trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới hợp trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới xác định rõ phần của từng người và họ đều có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ của mình. Nếu người có nghĩa vụ liên đới không có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu những người có điều kiện thi hành án thực hiện thay phần nghĩa vụ của người đó. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định tại Điều 298 của Bộ luật Dân sự.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới. Trường hợp nhận được nhiều đơn yêu cầu thi hành án liên quan đến một bản án, quyết định vào cùng một thời điểm thì tuỳ thuộc vào nội dung của bản án, quyết định của Toà án, số đơn và thời điểm nhận được đơn yêu cầu thi hành án, phạm vi yêu cầu thi hành án, thời hạn ra quyết định thi hành án để thực hiện việc ra một hay nhiều quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Trường hợp có nhiều người phải thực hiện nghĩa vụ liên đới thì nếu người được thi hành án yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ liên đới thi hành toàn bộ nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với người đó.
Tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự về đình chỉ thi hành án có quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế; đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
2. Đối chiếu với các quy định nêu trên cho thấy nội dung anh nêu chưa được pháp luật về thi hành án dân sự quy định cụ thể, vì thế chúng tôi cho rằng không thể buộc những người liên đới khác thực hiện phần nghĩa vụ của người đã chết không để lại tài sản và nghĩa vụ đó không được chuyển giao cho người thừa kế. Do đó, trường hợp có nhiều người phải thi hành khoản liên đới bồi thường có chia kỷ phần, nhưng trong quá trình thi hành án có 01 trong những người phải thi hành án chết mà không có tài sản để thi hành án, cần phân biệt và xử lý việc thi hành án theo các trường hợp sau:
- Trường hợp việc thi hành án đối với kỷ phần của người đã chết là một việc thi hành án riêng so với các kỷ phần khác (người được thi hành án yêu cầu thi hành khoản này độc lập hoặc vì lý do khác nên cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án riêng đối với khoản này), thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ đối với việc thi hành án này là có căn cứ.
- Trường hợp việc thi hành án chung cho tất cả các kỷ phần (quyết định thi hành án được ra chung cho tất cả các kỷ phần nghĩa vụ thi hành án của những người liên đới), thì do đây là một việc thi hành án, vì thế cơ quan thi hành án không ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với toàn bộ việc thi hành án này.
Trong trường hợp này, do trước đó người có quyền không yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới, tuy nhiên theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án chung cho tất cả các kỷ phần. Vì thế, cơ quan thi hành cần thông báo cho người được thi hành và đề nghị họ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho người phải thi hành án chết mà không để lại tài sản và nghĩa vụ đó cũng không được chuyển giao cho người thừa kế (lưu ý là những người có nghĩa vụ liên đới với người đã chết không phải là người thừa kế của người đó) để có căn cứ đình chỉ thi hành án đối với phần nghĩa vụ của người phải thi hành án chết không để lại tài sản và nghĩa vụ của người đó không được chuyển giao cho người thừa kế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?