Xét miễn, giảm thi hành án đối với trường hợp không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án
Vấn đề bạn hỏi, cần phân biệt hai trường hợp miễn, giảm thi hành án sau đây:
1. Miễn thi hành án trong trường hợp đặc biệt
Đây là việc miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng theo Nghị quyết số 24/2008/QH12của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự 2008, do vậy, không áp dụng theo quy định chung về miễn thi hành án được quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63 và Điều 64 của Luật Thi hành án dân sự 2008. Theo đó, đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng, mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành (01/7/2009) nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp lập danh sách đề nghị Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sởra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó.
Việc xét miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng nêu trên chỉ thực hiện một lần sau khi Luật Thi hành án dân sự 2008 có hiệu lực thi hành. Các khoản thu phát sinh sau thời điểm Luật Thi hành án dân sự 2008 có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng theo quy định chung về miễn, giảm thi hành án được quy định trong Luật.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối caohướng dẫn thủ tục miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng thì việc xét miễn thi hành được áp dụng khi có một trong các điều kiện dưới đây:
- Người phải thi hành án không có tài sản, hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản không đủ để thi hành, hoặc tài sản thuộc diện không được kê biên theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Người phải thi hành án không có tài sản, không có thu nhập, hoặc mức thu nhập thấp, chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân họ và gia đình.
- Người phải thi hành án lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn và kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc đau ốm không thể thực hiện được nghĩa vụ thi hành án.
- Không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án để xác minh điều kiện thi hành của họ.
- Người phải thi hành án là người nước ngoài hiện không cư trú tại Việt Nam mà cơ quan thi hành án không thể xác minh, xử lý tài sản của họ để thi hành án.
Như vậy, trường hợp không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án để xác minh điều kiện thi hành của họ, thì được xét miễn thi hành án đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng nêu trên. Căn cứ để xác định người phải thi hành án không có điều kiện thi hành là biên bản xác minh điều kiện thi hành án của họ do Chấp hành viên lập trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm cơ quan thi hành án lập danh sách đề nghị xét miễn thi hành án, kèm theo các tài liệu mà đương sự cung cấp được cơ quan thi hành án chấp nhận.
2. Miễn, giảm thi hành án trong trường hợp thông thường
Là việc xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại các Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Thi hành án dân sự 2008 và Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự 2008 về thủ tục thi hành án dân sự” và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2010/TLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khỏan nộp ngân sách nhà nước”. Theo quy định tại các văn bản pháp luật này, thì một trong những điều kiện được miễn, giảm thi hành án là “người phải thi hành án không có tài sản” để thi hành án, mà không có quy định nào bắt buộc phải “xác định được địa chỉ của người phải thi hành án”.
Do vậy, muốn xét miễn, giảm thi hành khoản tiền thu nộp ngân sách nhà nước cho những trường hợp không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án phải chứng minh được là “người phải thi hành án không có tài sản” để thi hành án, cùng với những điều kiện miễn, giảm khác do pháp luật quy định.
Cơ quan thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Hồ sơ the quy định tại Điều 62 Luật Thi hành án dân sự 2008 bao gồm các tài liệu sau đây:
- Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt.
- Bản án, quyết định của Toà án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
- Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm.
- Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án, nếu có.
- Ý kiến bằng văn bản của Viện Kiểm sát cùng cấp trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Cơ quan thi hành án chứng minh được tuy không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án nhưng họ có đủ điều kiện được xét miễn, giảm thi hành án và đã thực hiện đầy đủ, đúng thủ tục đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, mà Tòa án không chấp nhận miễn, giảm thì không đúng quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?