Chế độ lao động, điều kiện được hưởng đặc xá của phạm nhân đang thi hành án phạt tù có thời hạn
Chồng chị bị kết án 3 năm tù giam từ năm 2007, nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đến năm 2012, chồng chị chấp hành án. Việc thi hành án phạt tù và các chế độ áp dụng với chồng chị được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự năm 2010.
Thứ nhất. chế độ lao động của phạm nhân
Theo Điều 29 Luật Thi hành án Hình sự quy định về chế độ lao động của phạm nhân thì phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân mắc bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần thì tuỳ mức độ, tính chất của bệnh tật và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động. Như vậy, căn cứ vào tình trạng sức khỏe và khả năng lao động, chồng chị có thể được miễn lao động hoặc được phân công những công việc phù hợp.
Thứ hai, điều kiện được đề nghị hưởng đặc xá
Theo Điều 10 Luật Đặc xá năm 2007, người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau:
- Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác
- Đã chấp hành hình phạt tù được ít nhất là một phần ba thời gian phạt tù có thời hạn (nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù), hoặc đã chấp hành ít hơn một phần ba thời gian phạt tù có thời hạn nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam;
+ Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thân nhân là liệt sỹ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Gia đình có công với nước;
+ Là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền;
+ Khi phạm tội là người chưa thành niên;
+ Là người từ 70 tuổi trở lên;
+ Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú;
+ Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
Thứ 3, trình tự lập danh sách người được đề nghị đặc xá quy định tại Nghị định 76/2008/NĐ-CP ngày 04/7/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá được thực hiện như sau:
1. Nhân dịp sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước; ngày lễ Quốc khánh 2/9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước ban hành quyết định về đặc xá.
2. Căn cứ vào quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Chính phủ, trại giam, trại tạm giam tổ chức cho tập thể đội phạm nhân họp bình xét, bỏ phiếu kín, giới thiệu người được đề nghị đặc xá; cán bộ quản giáo phụ trách đội có trách nhiệm tổng hợp kết quả cuộc họp bằng biên bản và đề xuất ý kiến.
3. Căn cứ vào kết quả bình xét, tổng hợp và đề xuất ý kiến của cán bộ quản giáo, Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam nghiên cứu, lập danh sách và hồ sơ người có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh Quân khu và tương đương xem xét, quyết định việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá.
4. Danh sách và hồ sơ người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá được các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, trình đến Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổ thẩm định liên ngành gồm đại diện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ nghiên cứu, thẩm định danh sách.
Căn cứ vào kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá trình Hội đồng Tư vấn đặc xá xem xét, quyết định.
5. Hội đồng Tư vấn đặc xá tổ chức thẩm định hồ sơ, danh sách và quyết định danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Căn cứ những quy định trên thì đơn đề nghị hưởng đặc xá của phạm nhân hay người thân thích của phạm nhân không được coi là căn cứ để Chủ tịch nước quyết định cho phạm nhân hưởng đặc xá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?