Xử phạt vi phạm hành chính do không thực hiện việc thông báo lưu trú
Theo như anh trình bày thì trước đây anh có đăng ký tạm trú tại địa phương trên. Nhưng sau đó anh đã chuyển đi nơi khác, nên anh không còn thuộc diện tạm trú tại địa phương.Vì vậy, khi anh ngủ lại nhà mẹ nuôi thì mẹ anh vẫn phải có trách nhiệm thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2006. Điều 31 Luật Cư trú quy định:
"1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2. Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ mười bốn tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần."
Do không thực hiện việc thông báo lưu trú theo quy định nên mẹ anh đã bị lập biên bản về vi phạm hành chính.
Thứ nhất, về biện pháp xử phạt hành vi vi phạm quy định về đăng ký, quản lý cư trú:
Theo điểm d khoản 2 điều 11 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, và trật tự, an toàn xã hội thì hành vi "Không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan Công an theo quy định khi có người đến lưu trú" có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP thì khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Do đó, mẹ nuôi của anh bị xử phạt 1.500.000 đồng (mức trung bình của khung hình phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng) là phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
Theo điểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng. Do đó, UBND cấp xã có thể ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm quy định về đăng ký, quản lý cư trú nêu trên.
Thứ ba, về việc lập biên bản vi phạm hành chính:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008 và điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định 73/2010/NĐ-CP thì đối với vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt là phạt tiền trên 200.000 đồng thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải lập biên bản về vi phạm hành chính. Biên bản sẽ được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt.
Thứ tư, về thời hạn chấp hành quyết định xử phạt:
Theo khoản 1 Điều 64 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì người bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt
Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp của anh là phù hợp với quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?