Trách nhiệm hình sự trong trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác

Xin giải đáp và tư vấn tình huống của các bạn tôi như sau: Vào đêm 29 tết năm 2012 bốn người bạn của tôi gồm Thạch Hai, Huỳnh Văn Hảo, Lý Vương, Trần Mỹ Tiên (bạn gái của Lý Vương) đón giao thừa tại nhà của Thạch Hai (có uống bia). Khoảng 2h sáng thì Lý Vương chở Trần Mỹ Tiên về, Thạch Hai (bị say) chở Huỳnh Văn Hảo chạy sau, đến đoạn rẽ thì Lý Vương bị lật xe làm cho cô bạn gái ngồi phía sau ngã đập đầu vào trụ đá gây tử vong, Lý Vương thì bị ngất tại chỗ. Lý Hai chạy đến đoạn rẽ đó cũng bị lật xe làm cho Huỳnh Văn Hảo bị thương nặng, Cả 2 đều ngất xỉu, cách chỗ Lý Vương khoảng 20m, đến gần 5h sáng thì Hai và Hảo tỉnh dậy dẫn xe đi ngược trở lại tìm chỗ sửa xe, đi được 1 đoạn Hảo không đi nổi và ngồi lại, Hải tiếp tục dẫn xe đi tiếp để tìm chỗ sửa. Đến khoản 6h sáng thì CSGT chở Lý Vương Và Hảo vào bệnh viện cấp cứu, Thạch Hai được chở vào CA điều tra do tình nghi gây tai nạn rồi bỏ chạy. Như vậy sẽ có 2 tình huống được đặc ra: 1) Lý Vương (có say rượu) Tự ngã gây tai nạn làm làm cô bạn gái tử vong thì Lý Vương có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không nếu có thì rơi vào khoản nào của BLHS, và phải bồi thường cho gia đình cô bạn gái như thế nào? 2) Nếu do va chạm với xe của Thạch Hải mà ngã thì cả 2 người điều khiển xe có trách nhiệm như thế nào? Pháp luật quy định trường hợp này ra sao?

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2009, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là một trong những hành vi bị cấm. Mức nồng độ cồn tối đa được quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá quy định trên mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

..."

Thứ nhất, về trách  nhiệm của Vương:

 Vương đã điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu, do không làm chủ được tay lái nên xe của Vương bị lật làm cho Tiên là người ngồi sau tử vong. Như vậy, Vương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại điểm b khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự  nếu hành vi của Vương thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu sau:

- Khách thể của tội phạm: Vương điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả một người tử vong. Hành vi này đã xâm phạm đến hai khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ là tính mạng của con người và trật tự an toàn xã hội.

- Mặt khách quan:

+ Hành vi nguy hiểm cho xã hội: Vương đã thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.

+ Hậu quả: một người chết.

+ Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả: Hậu quả đáng tiếc xảy ra là do hành vi thiếu ý thức của Vương, cố tình điều khiển xe chở người khác mặc dù đang trong tình trạng không không thể làm chủ được tay lái dẫn đến việc xe bị lật và Tiên tử vong. Dù là do va chạm hay tự ngã thì hậu quả trên xảy ra cũng có nguyên nhân là việc không làm chủ được tay lái của Vương. Do đó, hành vi của Vương có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chết người.

- Chủ thể: Vương là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tại thời điểm thực hiện hành vi, Vương đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Về năng lực trách nhiệm hình sự: Vương không phải người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình theo điều 13 Bộ luật Hình sự.

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Theo khoản 3 điều 8 Bộ luật Hình sự, đây là tội nghiêm trọng do mức cao nhất là của khung hình phạt đến bảy năm tù. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự,  A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 16 tuổi trở lên.

Trường hợp A là người không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại thời điểm thực hiện hành vi thì A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

- Mặt chủ quan:

Mặc dù đã say xỉn nhưng Vương vẫn cố ý điều khiển xe máy chở người khác. Về mặt nhận thức, Vương thấy trước hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi không làm chủ được tay lái, nhưng ý chí chủ quan cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra nên Vương vẫn thực hiện hành vi. Như vậy, Vương có lỗi vô ý vì quá tự tin đối với cái chết của Tiên.

Như vậy, Vương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự. Việc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Chương 21 Bộ luật Dân sự về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 04 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại về tính mạng được xác định như sau:

1- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

2- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

3- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Tiền cấp dưỡng được xác định như sau:

+ Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó.

+ Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng:

- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

4- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân.

+ Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân.

+ Không phải trong mọi trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân đương nhiên được bồi thường khoản tiền bù đắp về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào vị trí, vai trò của nạn nhân trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa nạn nhân và những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân...

+ Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Thứ hai, về trách nhiệm của Hai:

Tương tự như Vương, Hai cũng có hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia. Tùy thuộc tình tiết cụ thể của hành vi, Hai có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Trường hợp xe do Hai điều khiển không va chạm với xe của Vương và Hảo bị thương nhưng chưa đến mức tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thì Hai chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm các quy định tại Điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Trường hợp xe do Hai điều khiển không va chạm với xe của Vương nhưng Hảo bị tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thì Hai vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự.

- Trường hợp xe do Hai điều khiển va chạm với xe của Vương dẫn đến hậu quả Tiên chết, Hảo bị thương thì cả Hai và Vương cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Hảo và gia đình Tiên.

Phòng chống tác hại của rượu bia
Hỏi đáp mới nhất về Phòng chống tác hại của rượu bia
Hỏi đáp Pháp luật
Mức xử phạt đối với người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030?
Hỏi đáp Pháp luật
Việc tư vấn về phòng chống tác hại của rượu bia được quy định như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Uống rượu bia gây tai nạn chết người thì bị phạt như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu bia khi nghỉ giữa giờ làm việc?
Hỏi đáp Pháp luật
Bán rượu bia tại cơ sở cai nghiện ma túy có được hay không? Bán rượu bia tại cơ sở cai nghiện ma túy bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Hỏi đáp pháp luật
Có vi phạm pháp luật khi cho phép trẻ em uống rượu bia hay không?
Hỏi đáp pháp luật
Trong rạp chiếu phim có được phép uống bia không? Bị phạt bao nhiêu tiền khi uống bia trong rạp chiếu phim?
Hỏi đáp pháp luật
Mang bia ra công viên uống được không?
Hỏi đáp pháp luật
Người tham dự tuyên truyền phòng chống tác hại của rượu, bia được nhận thù lao không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Phòng chống tác hại của rượu bia
Thư Viện Pháp Luật
367 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Phòng chống tác hại của rượu bia

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Phòng chống tác hại của rượu bia

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào