Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang chấp hành án phạt tù
1. Hiến pháp Việt Nam tại Điều 58 khẳng định: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”. Đối với đất được nhà nước giao, Điều 18 Hiến pháp quy định: cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực. Luật Thi hành án Hình sự số 53/2010/QH12 ngày 17/6/2010, ngay ở phần nguyên tắc thi hành án hình sự đã nêu rõ: “tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án”. Người chấp hành án phạt tù được hưởng các quyền công dân trừ những quyền bị pháp luật hoặc Tòa án tước.
Như vậy, nếu không bị pháp luật hoặc Tòa án tước thì người chấp hành án vẫn có các quyền công dân trong đó có quyền được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai và văn bản pháp luật có liên quan. Hợp đồng chuyển quyền (trong đó có chuyển nhượng) quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (Điều 689 Bộ luật dân sự).
Việc công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện như sau:
- Nộp một hồ sơ yêu cầu công chứng (việc nộp hồ sơ có thể do một người khác trong số những người tham gia giao dịch thực hiện mà không nhất thiết phải do người đang chấp hành án phạt tù thực hiện), gồm: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu; Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có); Bản sao giấy tờ tuỳ thân (người đang chấp hành án phạt tù nộp kèm đơn xác nhận của quản lý trại giam về việc đang chấp hành án ở trại giam đó); Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
- Sau khi nhận hồ sơ thấy đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan thực hiện công chứng sẽ tiến hành thủ tục cần thiết theo quy định.
Điều 39 Luật công chứng quy định về địa điểm công chứng: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, bạn của bạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam nên thuộc đối tượng được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, cụ thể là tại trại giam nơi người đó đang chấp hành án.
- Cơ quan thực hiện công chứng có thể gửi công văn đến ban quản lý trại giam nêu rõ việc đang tiếp nhận và thực hiện yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà một trong các bên tham gia giao dịch là người đang chấp hành án tại trại giam; đồng thời đề nghị được gặp gỡ người đó để thực hiện công chứng.
Thủ tục cho người đang chấp hành án ký vào hợp đồng được thực hiện như thủ tục công chứng thông thường theo quy định tại Điều 35 Luật công chứng: Người yêu cầu công chứng tự đọc lại hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Khi thực hiện công chứng ngoài trụ sở, công chứng viên phải ghi rõ lý do và địa điểm công chứng vào văn bản công chứng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?