Việc chuyển giao cho Toà án giải quyết việc cha nhận con
Trong tình huống nói trên, để khẳng định việc chuyển giao vụ việc cho Toà án thụ lý giải quyết có đúng hay không cần căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để xác định xem việc cha nhận con có phát sinh tranh chấp hay không?
Về tính chất của vụ việc: Có phát sinh tranh chấp trong quan hệ cha nhận con hay không?
Trước hết, cần khẳng định rằng cháu bé do chị Thái sinh ra là con ngoài giá thú, chưa xác định được người cha. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giúp đỡ để xác định cha cho cháu bé, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tạo điều kiện cho sự phát triển bình thường của cháu bé về sau. Các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ xác định cha cho trẻ trong quy định nói trên bao gồm: cơ quan đăng ký hộ tịch (trong trường hợp này là Uỷ ban nhân dân xã K) hoặc Toà án cấp huyện.
Theo quy định tại Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trong việc xác định quan hệ cha, mẹ, con, Toà án chỉ thụ lý giải quyết khi việc nhận cha, mẹ, con đó có tranh chấp giữa các bên trong quan hệ này. Còn trong trường hợp việc cha, mẹ nhận con hoặc con nhận cha, mẹ có sự tự nguyện giữa các bên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đăng ký hộ tịch thông qua thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con (được quy định tại Mục 6 Chương II Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch).
Căn cứ vào các quy định nói trên, có thể thấy việc đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã K cho rằng việc ông Quynh nhận con có tranh chấp, do đó cần chuyển giao vụ việc cho Toà án huyện giải quyết là không đúng, bởi vì:
- Các chủ thể của quan hệ cha nhận con trong vụ việc này là cô Thái, ông Quynh và cháu bé. Trong đó cô Thái - với tư cách người mẹ - là người đại diện cho con để thực hiện việc xác định cha cho con. Chỉ có ý kiến của cô Thái và ông Quynh mới có giá trị pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc cha nhận con. Bà Hảo - người vợ hợp pháp của ông Quynh không có tư cách chủ thể trong quan hệ cha nhận con này.
- Cả cô Thái và ông Quynh đều bày tỏ ý chí tự nguyện và thống nhất công nhận ông Quynh là cha của cháu bé. Giữa các bên chủ thể trong quan hệ cha nhận con này không phát sinh tranh chấp. Bà Hảo không phải là chủ thể có tư cách pháp lý tham gia vào quan hệ cha nhận con, do đó, khiếu nại của bà Hảo không phải là căn cứ làm phát sinh tranh chấp trong quan hệ cha nhận con.
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì việc ông Quynh nhận con thoả mãn đầy đủ điều kiện để có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã K thụ lý giải quyết việc đăng ký cha nhận con theo thủ tục đăng ký hộ tịch. Uỷ ban nhân dân xã K cần tiếp tục thụ lý việc giải quyết đăng ký cha nhận con, không chuyển giao vụ việc cho Toà án cấp huyện vì việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này không thuộc thẩm quyền của cơ quan xét xử.
Về các yêu cầu của bà Hảo
Với hai yêu cầu mà bà Hảo nêu lên, cán bộ tư pháp cần phân tích, giải thích cho bà Hảo hiểu rằng đây là những yêu cầu không hợp pháp, xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác bằng sự lý giải như sau:
- Bà Hảo không phải là người mẹ sinh ra cháu bé, không có quan hệ huyết thống với cháu bé, do đó pháp luật hộ tịch không cho phép ghi tên người không phải là mẹ vào “phần khai về người mẹ” trong Giấy khai sinh của cháu bé (trừ trường hợp cô Thái đồng ý cho cháu bé làm con nuôi của bà Hảo và việc đăng ký nuôi con nuôi đã được thực hiện).
- Mặc dù bà Hảo là người vợ hợp pháp của ông Quynh nhưng quan hệ vợ chồng giữa ông Quynh và bà Hảo không đương nhiên dẫn đến việc bà Hảo được công nhận tư cách là mẹ của con riêng của ông Quynh vì quan hệ vợ chồng và quan hệ cha, mẹ, con là những quan hệ pháp luật độc lập.
- Trên Giấy khai sinh của một cá nhân thể hiện “phần khai về người cha” và “phần khai về người mẹ” (nhằm mục đích xác định quan hệ cha với con và mẹ với con), chứ không thể hiện nội dung “phần khai về người vợ” và “phần khai về người chồng”. Do đó, dù cô Thái và ông Quynh không có quan hệ hôn nhân hợp pháp thì vẫn có thể cùng được khai tên trên Giấy khai sinh của con mình, vì ông Quynh có tư cách là cha của cháu bé (sau khi đã được đăng ký việc cha nhận con). Việc ghi tên ông Quynh và cô Thái như vậy không có ý nghĩa công nhận quan hệ vợ chồng giữa hai người này. Quan hệ cha, con giữa ông Quynh và cháu bé được pháp luật bảo hộ, thể hiện ngay từ việc ghi các thông tin về ông Quynh trên Giấy khai sinh của cháu bé. Việc bà Hảo đề nghị Uỷ ban nhân dân xã không được ghi tên ông Quynh vào Giấy khai sinh của cháu bé là ngăn cản việc thực hiện quyền nhân thân của cá nhân theo quy định tại Điều 25 và Điều 43 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của ông Quynh và cô Thái
Trong vụ việc này, với việc quan hệ và có con với cô Thái, ông Quynh đã có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Uỷ ban nhân dân xã K cần xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này của ông K theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Đối với cô Thái, Uỷ ban nhân dân xã K cần xác minh làm rõ: nếu cô Thái biết rõ ông Quynh đã có vợ nhưng vẫn duy trì việc chung sống với ông Quynh thì cũng bị xử phạt về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng tương tự như với ông Quynh. Tuy nhiên, nếu xác minh cho thấy cô Thái bị ông Quynh lừa dối, che giấu tình trạng hôn nhân khiến cô Thái không biết được là ông Quynh đã có vợ thì không áp dụng việc xử phạt với cô Thái.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tháng 11 âm lịch 2024 có bao nhiêu ngày? Tháng 11 âm lịch 2024 bắt đầu ngày mấy dương?
- Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là bao nhiêu?
- Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe mới nhất theo Thông tư 36/2024/TT-BYT?
- Phương pháp tính thuế tự vệ như thế nào? Điều kiện áp dụng thuế tự vệ là gì?
- Đội quân nhà Phật là tên gọi do nhân dân nước nào dành tặng cho Quân đội nhân dân Việt Nam?