Thực hiện dân chủ trong huy động đóng góp xây dựng trường học trên địa bàn xã
Tình huống đề cập đến cách thức thực hiện dân chủ trong nhà trường; trong huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường và của Uỷ ban nhân dân xã, cơ quan quản lý đối với trường tiểu học.
Trong vụ việc này, chủ trương tăng mức thu đóng góp xây dựng trường của Ban Giám hiệu và chính quyền xã hoàn toàn do Ban Giám hiệu quyết định với sự nhất trí của Uỷ ban nhân dân xã, không có sự bàn bạc, tham gia ý kiến của các bậc phụ huynh có con em học tại trường. Cách làm này không thể hiện dân chủ, vi phạm quyền được biết, được bàn và kiểm tra của nhân dân.
Về tính hợp pháp của chủ trương và cách thức huy động tiền đóng góp xây dựng trường
Trường mầm non của xã là công trình phúc lợi công cộng của xã, do đó, theo Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, việc đóng góp xây dựng trường học là loại việc thuộc quyền dân biết, dân bàn rồi quyết định trực tiếp và dân kiểm tra. Cụ thể là:
- Theo Điều 10 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí do nhân dân trực tiếp biểu quyết quyết định. Do đó người dân (mà cụ thể trong trường hợp này là phụ huynh học sinh) có quyền bàn bạc và quyết định trực tiếp về “Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng (điện, đường, trường học, trạm y tế, nghĩa trang, các công trình văn hóa, thể thao)”;
Theo Điều 24 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, người dân (phụ huynh) có quyền giám sát về quá trình tổ chức thực hiện công trình, kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình do nhân dân đóng góp xây dựng...;
Bên cạnh đó, cũng theo khoản 2 và khoản 4 Điều 7 Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường ban hành kèm theo Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc huy động đóng góp xây dựng trường là loại việc phải được thông tin công khai cho nhà giáo, cán bộ, công chức và phải được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của cha mẹ học sinh (điểm 1.2 khoản 1 Điều 14 Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT).
Như vậy, để có thể tổ chức thu tiền đóng góp xây dựng trường, Uỷ ban nhân dân xã cần chỉ đạo Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức xây dựng đề án một cách công khai và lấy ý kiến của các đối tượng cần thiết theo đúng quy chế dân chủ.
Về phương án thực hiện có thể áp dụng
- Xây dựng kế hoạch hoặc đề án huy động đóng góp: đề án này có thể được đề xuất từ nhiều phía (ví dụ: từ phía Hội phụ huynh, từ phía Ban Giám hiệu hay từ phía cán bộ, viên chức của trường); tuy nhiên người chấp nhận và xây dựng đề án là Ban Giám hiệu.
- Sau khi xây dựng xong đề án, Ban Giám hiệu trường phải tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng của các cán bộ, viên chức, các tổ chức, đoàn thể trong trường theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT):
+ Bước 1: lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ, viên chức trong trường. Việc lấy ý kiến có thể trực tiếp (họp toàn thể cán bộ, viên chức) hoặc thông qua các đoàn thể mà cán bộ công chức tham gia như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Tổ nữ công v.v... (khoản 2 và khoản 3 Điều 7; khoản 4 Điều 5 Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT)
+ Buớc 2: báo cáo để thống nhất chủ trương với chính quyền xã. Đây là loại việc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân xã (khoản 4 Điều 30; khoản 5 Điều 111 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003); do vậy, Nhà trường không thể tự ý huy động mức đóng góp của phụ huynh học sinh mà không có sự đồng ý và cùng tổ chức thực hiện của Uỷ ban nhân dân xã.
+ Bước 3: đưa chủ trương trên ra lấy ý kiến đóng góp của cha, mẹ học sinh (khoản 1 Điều 14 Quyết định số 04/2000/QĐ- BGD&ĐT). Trách nhiệm tổ chức công việc này do Ban Giám hiệu nhà trường; chính quyền xã phối hợp với Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh thực hiện. Cách thực hiện: có thể triệu tập Hội nghị toàn thể phụ huynh học sinh; hoặc nếu không được thì tổ chức họp phụ huynh theo từng lớp, hoặc phát phiếu lấy ý kiến đến tất cả các phụ huynh - tuỳ theo quy mô của nhà trường.
Chủ trương thu tiền xây dựng chỉ có thể được thông qua nếu quá nửa (50%) số phụ huynh học sinh được lấy ý kiến tán thành; Cần thông tin rõ về mức thu, dự kiến chi, cách thức thực hiện. Nếu đã có sự nhất trí của phụ huynh về chủ trương và mức đóng góp, có thể tổ chức, bầu ngay Ban giám sát công trình xây dựng nâng cấp trường. Quyền, nghĩa vụ, cách hoạt động của Ban giám sát cần được xây dựng và phổ biến công khai.
+ Bước 4: kết quả cuộc họp, danh sách Ban giám sát cần được lập thành biên bản, gửi lên Uỷ ban nhân dân xã để xem xét. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã sẽ trình phương án thực hiện tại cuộc họp Hội đồng nhân dân xã gần nhất để quyết định chính thức phương án này (khoản 4 Điều 30 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003);
+ Bước 5: thông báo công khai toàn bộ nội dung phương án đã được phê duyệt chính thức từ chính quyền đến các cán bộ, viên chức nhà trường và toàn thể cha, mẹ học sinh (khoản 2 và khoản 4 Điều 7 Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD&ĐT), thậm chí công khai trên địa bàn thôn, xã (Điều 5 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?
- Hồ sơ cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe từ 01/01/2025 bao gồm những giấy tờ gì?
- Mẫu đơn xin nghỉ thai sản bù hè của giáo viên mới nhất?