Kết hợp giữa luật tục và luật pháp trong hoà giải vụ việc “ma gà”

Đứa con nhỏ của A Páo bị bệnh sốt rét kinh niên nên đau ốm liên miên. A Páo nghi là do A Len người cùng bản là ma gà bỏ bùa yểm. Trên thực tế, A Len là người nghiện rượu nặng nên tối ngày la cà và say xỉn, hay ăn nói ba hoa, bậy bạ, thường làm ra vẻ là mình tài giỏi biết phép thuật nên càng gieo rắc mối nghi cho A Páo. Mâu thuẫn giữa A Páo và A Len ngày càng trầm trọng đến mức có lần A Páo doạ sẽ giết chết A Len để trừ “ma gà” cho bản. Song bản thân A Len do say xỉn tối ngày nên cũng chẳng biết điều này, chỉ có vợ anh nghe được sợ quá bèn chạy lên báo với ông Trưởng bản. Trưởng bản đã triệu tập gấp cuộc họp gồm có Già làng, thầy cúng và cả Bí thư Chi đoàn Thanh niên bản để bàn cách giải quyết. Có ý kiến cho rằng cần cấp báo ngay vụ việc lên Công an huyện để ngăn chặn hậu quả, có ý kiến nói rằng có thể khuyên ngăn hoà giải các bên. Và Trưởng bản quyết định đưa vụ việc ra hoà giải. Cách giải quyết như vậy có đúng không?

Việc áp dụng biện pháp hoà giải để giải quyết vụ việc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở 1998 thì không được phép hoà giải đối với các vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự hoặc hành chính. Trong vụ việc này, hành vi của A Páo có dấu hiệu cấu thành một tội phạm hình sự, cụ thể là tội đe doạ giết người (Điều 103 Bộ luật Hình sự 1999). Tuy nhiên, khi xem xét hành vi của A Páo, cần tính đến các yếu tố đặc thù về phong tục, tập quán, nhận thức của nhân dân. Cụ thể, trong trường hợp này tập tục trả thù “ma gà” - được coi là đương nhiên trong tập quán sinh hoạt của đồng bào. ám ảnh về “ma gà”, ngoài việc gieo rắc sự sợ hãi cho mọi người, còn gây sự nghi ngờ và bất ổn trong đời sống cộng đồng, dẫn đến sự suy giảm niềm tin lẫn nhau, tạo nguy cơ phân ly cộng đồng. Chính vì vậy, vụ việc cần được xử lý trên tinh thần kết hợp cả quy định pháp luật của Nhà nước cũng như phong tục, tập quán của đồng bào. Do đó, có thể áp dụng biện pháp hoà giải để giải quyết vụ việc.

Trách nhiệm của Trưởng bản

Một mặt, Trưởng bản cần báo ngay tin cho Công an xã để có biện pháp theo dõi phòng ngừa khả năng có những hành vi nguy hại của A Páo. Mặt khác, Trưởng bản và Tổ trưởng Tổ hoà giải (trong trường hợp Trưởng bản không kiêm nhiệm) và các thành viên Tổ hoà giải (do Mặt trận Tổ quốc lập ra) cần đưa ngay vụ việc ra hoà giải. Việc làm này không trái với nguyên tắc của Pháp lệnh Về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở: “phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân” và “kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra” (khoản 1 và khoản 4 Điều 4 Pháp lệnh Về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở 1998).

Trình tự tiến hành hoà giải:

- Thứ nhất: triệu tập ngay Tổ hoà giải cơ sở, trong trường hợp này nếu thành viên trong Tổ chưa bao gồm các nhân vật như: Già làng, Trưởng hoặc Phó tộc của các bên có liên quan thì nhất thiết phải mời thêm những nhân vật này. Ngoài ra, cần mời thêm cán bộ tư pháp xã, cán bộ y tế và các hộ dân trong bản tham gia vụ hoà giải. Khi triệu tập các thành viên chủ chốt này, cần làm trước công tác tư tưởng: nêu những vô lý của sự nghi ngờ trên; nêu những tác hại có thể xảy ra nếu như cứ để các bên “tự xử” theo tập tục: cháu bé không khỏi bệnh; thù hằn, mâu thuẫn gia tăng, có thể chết người (nếu A Páo quyết tâm thực hiện lời đe doạ) và gây xung đột giữa các dòng tộc, căng thẳng trong bản. Qua đó cần bàn bạc trước để đề xuất phương án giải quyết: cần đưa cháu bé đi bệnh viện; cần dẹp bỏ sự nghi ngờ đồn thổi về ma gà...

- Thứ hai: tổ chức hoà giải càng sớm càng tốt; lựa chọn thời điểm thích hợp: tránh dịp mùa vụ hay lễ hội của bản. Địa điểm phù hợp là nhà sàn hoặc nơi sinh hoạt chung của bản, nếu không có thì có thể nhờ nhà của Già làng. Thành phần tham dự là các bên đương sự; gia đình họ hàng hai bên, các trưởng phó tộc hai bên, thành viên Tổ hoà giải và các nhân vật chủ chốt trong bản; dân bản (những người quan tâm).

- Thứ ba: tiến hành hoà giải trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật cũng như phong tục của địa phương.

Với vụ việc này, có thể tham khảo diễn biến buổi hoà giải như sau:

+ Hỏi A Páo về nội dung sự việc: vận động A Páo nêu ra các bằng chứng khiến nghi ngờ A Len là “ma gà” và gây hại gì cụ thể đến con trai mình. Ví dụ: có thể hỏi: tại sao nghi là qua A Len gây bệnh cho con trai? Đương nhiên là A Páo không thể đưa ra các lý do thoả đáng và rơi ngay vào tình trạng đuối lý;

+ Hỏi A Len về nội tình sự việc: có phải là “ma gà” ? Có cách gì gây hại cho nhà A Páo? Đương nhiên là A Len sẽ từ chối và xin được minh oan cho mình. Đồng thời, hỏi thêm về phía Trưởng tộc của A Len về danh tính, hành tung của A Len nhằm mục đích tìm thêm lý lẽ để bênh vực. Từ đó phê bình, giáo dục A Len về chuyện say xỉn, khiến láng giềng hiểu lầm;

+ Tham khảo ý kiến của một số hộ dân tích cực, có hiểu biết để nhận định về sự mê tín “ma gà”, mời cán bộ y tế xã phát biểu về tình hình bệnh trạng của cháu bé, qua đó khẳng định sự vô lý trong việc nghi ngờ A Len là “ma gà”. Đồng thời, vận động Già làng nhận xét về vấn đề trên;
+ Kết luận: không có căn cứ gì để chứng minh hiện tượng “ma gà”.

Các giải pháp cụ thể mà Tổ hoà giải cần đưa ra là:

+ Chấm dứt ngay sự đe doạ của A Páo với A Len; chấm dứt việc tung tin đồn về “ma gà” trong bản;

+ Buộc A Páo xin lỗi và bồi thường danh dự cho A Len theo luật tục (có thể tham khảo Già làng về các trường hợp bồi thường, ví dụ: nộp phạt gà hay lợn; uống rượu chung cả làng thì tốt - vì sẽ tạo cơ sở để bà con chứng giám và tạo sự thoải mái cho các bên);

+ Buộc A Páo đưa con trai đi bệnh viện điều trị sớm, cần thiết có thể xin xác nhận về thủ tục ở phía chính quyền (cán bộ tư pháp xã);

+ Buộc A Len phải hứa thay đổi nếp sinh hoạt: không được uống rượu say sưa và nói năng nhảm nhí, gây mối nghi ngờ trong thôn bản, nếu còn tiếp tục phải chịu phạt vạ trước bản. Khi A Len hứa - cần đề nghị Trưởng tộc phía A Len chứng kiến và đảm bảo: giao trách nhiệm cho dòng tộc giúp đỡ A Len.

Lưu ý: khi tuyên bố nội dung hoà giải trên, nếu tạo điều kiện để chính Già làng (Trưởng bản) tuyên bố sẽ có hiệu lực cao hơn - xét về mặt tâm lý và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả hoà giải đó cần được lập thành biên bản và có chữ ký, xác nhận của Trưởng bản, Tổ trưởng Tổ hoà giải, hai bên đương sự.

Có thể vận dụng tập tục truyền thống vào giai đoạn này, ví dụ: cùng với việc ký vào biên bản hoà giải, có thể cho các đương sự tuyên thệ trước dân làng, mà đại diện là Già làng và các Trưởng tộc; thậm chí tuỳ tập quán mà có thể cho thề nguyền trước tổ tiên hay thần linh - việc này có hiệu lực cao đối với đồng bào dân tộc thiểu số, là yếu tố đảm bảo cho họ không tái phạm hoặc không hận thù nhau. 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
284 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào