Phạm vi các quyền dân biết

Ngày 22/4/2006, ông Ngà lên trụ sở Uỷ ban nhân dân xã L.G để hỏi thông tin về căn nhà ông định mua nằm trên địa bàn xã. Đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, ông gặp cán bộ địa chính và đề nghị anh này cung cấp các thông tin về tình trạng căn nhà đó: diện tích bao nhiêu; có đăng ký sở hữu hay chưa; ai là chủ sở hữu; nhà có nằm trong quy hoạch hay không... Cùng lúc đó, anh Sinh, một công dân xã bên cũng đến Uỷ ban nhân dân xã L.G để tìm cán bộ tư pháp đề nghị cung cấp thông tin về tình trạng hôn nhân của cô Lan - người bản Dốc thuộc xã L.G - người mà anh Sinh định kết hôn. Theo ông (bà), cán bộ địa chính và cán bộ tư pháp - hộ tịch của xã L.G cần giải quyết hai yêu cầu này như thế nào?

Đây là một tình huống có liên quan đến các quyền dân biết - quy định trong Quy chế thực hiện dân chủ ở xã ban hành kèm theo Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ. Chính quyền xã, mà cụ thể là các chức danh chuyên trách của UBND xã như cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp - hộ tịch là những chức danh chuyên môn trực tiếp giải quyết tình huống này.
Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện quyền dân biết thì liên quan đến vai trò của Chủ tịch UBND xã và chủ trương của HĐND xã. Vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống này là cần xem xét các vấn đề mà ông Ngà và anh Sinh muốn cán bộ UBND xã cung cấp có thuộc phạm vi “những việc cần thông báo để nhân dân biết” quy định tại Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã hay không, từ đó có hướng giải quyết đúng pháp luật đối với từng đề nghị.

Về phạm vi các việc cần công khai cho dân biết

Tại Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã có quy định 14 loại việc thuộc phạm vi những việc cần thông báo để dân biết của chính quyền xã. Về tính chất, đây là 14 loại việc quan trọng ở chính quyền cấp xã, vì lợi ích chung của địa phương và thể hiện trách nhiệm của chính quyền, do đó, pháp luật quy định UBND cấp xã có nghĩa vụ bắt buộc phải thông báo công khai cho dân biết. Nếu chính quyền không thực hiện thì coi là bưng bít thông tin, vi phạm nghĩa vụ của chính quyền và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (xử lý kỷ luật, hành chính hay hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dân chỉ có quyền được biết 14 loại việc nêu trên mà nhân dân còn có quyền tìm hiểu những thông tin khác mà chính quyền có thể cung cấp, trừ trường hợp thông tin đó thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc việc cung cấp thông tin đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Song việc cung cấp những thông tin này không đặt thành trách nhiệm của chính quyền trong trường hợp không cung cấp được các thông tin đó.

Từ phân tích như trên, với đề nghị cung cấp thông tin của ông Ngà và anh Sinh trong tình huống này, chính quyền xã L.G cần xử lý như sau:

Đối với đề nghị cung cấp thông tin về nhà đất của ông Ngà. Một phần thông tin có liên quan đến vấn đề quy hoạch đất đai - đây là một nội dung mà chính quyền xã bắt buộc phải thông báo cho người dân (khoản 3 Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã). Người dân có thể tìm hiểu thông tin về nhà đất trên địa bàn xã thông qua quy hoạch công khai. Mặt khác, cán bộ địa chính xã thông qua hồ sơ địa chính do mình quản lý có thể hỗ trợ người dân bằng việc cung cấp những thông tin mình nắm được. Tuy nhiên, cán bộ địa chính cũng cần khuyến cáo với ông Ngà rằng: nếu ông Ngà muốn được cung cấp thông tin có giá trị pháp lý về thửa đất, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tình trạng thực hiện các quyền của người sử dụng đất liên quan đến mảnh đất mà ông định mua thì cần tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường để xin cung cấp thông tin. Cần giải thích với ông Ngà là theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là cơ quan duy nhất được cung cấp thông tin có giá trị pháp lý về thửa đất và người sử dụng đất. Trong trường hợp này, ông Ngà phải nộp các chi phí cho dịch vụ công mà ông yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, phục vụ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với đề nghị của anh Sinh về việc cung cấp thông tin về tình trạng hôn nhân của cô Lan

Về nguyên tắc, căn cứ vào sổ hộ tịch của xã, cán bộ tư pháp - hộ tịch có thể xác minh được thông tin về tình trạng hôn nhân của người dân trong xã (cô Lan). Tuy nhiên, thông tin về tình trạng hôn nhân là thông tin thuộc về bí mật đời tư của cá nhân, do đó, theo nguyên tắc quản lý hộ tịch, cán bộ tư pháp - hộ tịch chỉ cung cấp, xác nhận thông tin này khi có sự đồng ý của chính cô Lan. Các cá nhân khác không thể tự do yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã cung cấp thông tin về bí mật đời tư của cá nhân khác nếu không có sự đồng ý của người đó. Mặt khác, nếu anh Sinh tiến tới việc kết hôn với cô Lan, thì theo quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn, tình trạng hôn nhân của hai bên nam nữ sẽ được cơ quan đăng ký kết hôn xác minh chặt chẽ khi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần phân tích rõ các vấn đề trên, để anh Sinh hiểu rõ là việc Uỷ ban nhân dân xã cung cấp thông tin về tình trạng hôn nhân của cô Lan cho anh Sinh khi không có sự đồng ý của cô Lan là vi phạm bí mật đời tư của cá nhân, từ đó, từ chối giải quyết yêu cầu của anh Sinh.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
191 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào