Điều kiện để người bán dâm bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Đây là tình huống xác định điều kiện để người bán dâm bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Để giải quyết tình huống trên đúng pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở chữa bệnh, cũng như các quy định về điều kiện để một người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, được quy định tại Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.
Có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính: đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với Vũ Thị V và xử lý đối với Nguyễn Hữu H và chủ quán karaoke Thuỳ Linh không
Đối với Vũ Thị V, có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh H, đã thực hiện hành vi bán dâm cho Nguyễn Hữu H theo sự môi giới, dẫn dắt của Nguyễn Thùy L. Về nhân thân, Vũ Thị V đã bị UBND xã X xử phạt hành chính về hành vi bán dâm nhưng chưa từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng như biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “...Người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 16 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh”.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP quy định: “Người bán dâm từ đủ 16 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đã bị đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng tái phạm; người bán dâm có tính chất thường xuyên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định”. Đối chiếu với các quy định nêu trên, có thể thấy không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với Vũ Thị V, nhưng đủ điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Nguyễn Hữu H đã bỏ ra 100.000 đồng để được quan hệ tình dục với Vũ Thị V. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 (“Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”), có thể kết luận Nguyễn Hữu H đã thực hiện hành vi mua dâm. Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Người nào có hành vi mua dâm thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng”.
- Chủ quán Karaoke Thùy Linh đã sử dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa của mình để thực hiện việc mua, bán dâm. Vì theo khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003: “Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm”. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: Cho thuê, cho mượn địa điểm, phương tiện để hoạt động mại dâm là hành vi của tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản mà cho thuê, cho mượn để hoạt động mại dâm.
Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm”. Đối chiếu hành vi với quy định nêu trên, có thể thấy Nguyễn Thùy L đã thực hiện hành vi chứa mại dâm.
Thẩm quyền xử lý vụ việc
Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm phải xử phạt đúng thẩm quyền, đối với những hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý hoặc có dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành lập biên bản và chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền”.
Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân”.
Như vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y có thẩm quyền thụ lý điều tra vụ việc vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm tại quán karaoke Thùy Linh.
Các bước mà Công an xã X cần tiến hành trong thẩm quyền của mình
- Lập biên bản vi phạm hành chính đối với Vũ Thị V, Nguyễn Hữu H và Nguyễn Thùy L về hành vi mua, bán dâm và chứa mại dâm;
- Báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND xã X ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với Vũ Thị V, Nguyễn Hữu H và Nguyễn Thùy L;
- Chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật (nếu có), đối tượng vi phạm đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y;
- Lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND xã X ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với Vũ Thị V, khi Công an huyện Y đề nghị UBND xã X áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác đối với Vũ Thị V.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?