Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án
Trường hợp bà hỏi liên quan đến một vụ việc thi hành án dân sự cụ thể và bà hỏi nhiều nội dung trong cùng một vụ việc, nhưng lại không có hồ sơ thi hành án, vì thế chúng tôi không thể khẳng định việc làm của cơ quan thi hành án đúng hay sai. Tuy nhiên, chúng tôi trao đổi một số vấn đề để bà tham khảo theo thứ tự câu hỏi bà đặt ra, như sau:
1. Việc Chi cục Thi hành án huyện Đông Triều cho rằng số tài sản kê biên (nằm trong khối tài sản chung của bố tôi và bà A, nhưng bản án giao cho bà A quản lý và thanh toán chênh lệch cho các đồng thừa kế như trên) là của bà A có đúng pháp luật không?
Về nội dung này, gia đình bà được hưởng tài sản thừa kế của bố bà nằm trong khối tài sản chung với bà A, theo bản án thì bà A phải trả cho gia đình bà 1/3 khối tài sản chung với bố bà là ngôi nhà và diện tích đất là 1412m2 do bố bà và bà A đứng tên mua chung năm 1997. Như vậy, bản án của Tòa án đã xác định gia đình bà được hưởng thừa kế 1/3 tài sản đó tương ứng với số tiền là 100 triệu đồng, bà A được quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nêu trên. Do đó, quyền và nghĩa vụ thi hành án đã được xác định độc lập, rõ ràng; toàn bộ tài sản là hiện vật đó là của bà A. Bà A có nghĩa vụ thi hành án trả cho gia đình bà 100 triệu đồng, nếu bà A không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, kể cả biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản mà Tòa án tuyên bà A được sở hữu, sử dụng nêu trên để thi hành án.
Tuy nhiên, nếu bản án chỉ tuyên giao cho bà A quản lý (quản lý hộ) mà không phải là giao cho bà A được sở hữu (nhà, tài sản khác gắn liền với đất), sử dụng đất (gắn liền với nhà, tài sản khác trên đất), thì cơ quan thi hành án không có cơ sở để kê biên, xử lý tài sản đó đảm bảo thi hành án, trừ trường hợp các đương sự có thoả thuận khác.
2. Chi cục Thi hành án huyện Đông Triều gửi bán đấu giá quyền sử dụng đất kê biên với giá thấp bằng 1/3 giá Uỷ ban tỉnh quy định như thế có đúng pháp luật không?
Việc định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự thực hiện quy định tại Điều 98, 99, 101 và Điều 104 Luật Thi hành án dân sự theo phương thức: Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ và thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây: Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ và tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá.
Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản hoặc đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.
Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức bán đấu giá hoặc bán không qua thủ tục đấu giá.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định. Trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án.
Căn cứ quy định này thì bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chỉ là một trong những căn cứ để xác định giá của tài sản đã kê biên. Kết quả bán tài sản lần cuối (bán đấu giá thành) tùy từng trường hợp cụ thể có thể cao hơn hoặc thấp hơn (do phải hạ giá nhiều lần để bán) giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Gia đình tôi có được hưởng giá trị thực tế của khối tài sản di sản thừa kế của bố tôi để lại nằm trong khối tài sản chung của bà A mà toà đã giao cho bà A quản lý như nội dung bản án trên không?
Đây là câu hỏi liên quan đến quy định việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án. Điều 59 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án”.
Tuy nhiên, điều luật này lại không quy định cụ thể việc định giá để thi hành án chia theo tỷ lệ như thế nào, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này cũng chưa quy định chi tiết. Do vậy, nếu án tuyên một bên được nhận tài sản, một bên được nhận tiền tương ứng với tỉ lệ giá trị của tài sản, khi thi hành án giá trị tài sản thay đổi (tăng hoặc giảm), cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo các trường hợp sau đây:
- Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc định giá lại tài sản để thanh toán tiền cho nhau tương ứng với tỷ lệ giá trị tài sản được chia tại thời điểm thi hành án, thì cơ quan thi hành án tổ chức định giá tài sản để thi hành án theo thỏa thuận của các đương sự.
- Trường hợp các đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được, thì cơ quan thi hành án không tổ chức định giá tài sản mà thực hiện việc thi hành án theo đúng nội dung bản án. Theo đó, bên được nhận tài sản được thi hành án nhận tài sản, bên được nhận tiền được nhận tiền và lãi suất chậm thi hành án theo quyết định của bản án.
Vì thế, nếu bà B và gia đình bà không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về việc định giá lại tài sản để thanh toán tiền cho nhau tương ứng với tỷ lệ giá trị tài sản được chia tại thời điểm thi hành án, thì gia đình bà chỉ được thi hành án với số tiền 100 triệu đồng và lãi chậm thi hành án của số tiền này theo đúng nội dung phần quyết định của bản án đã tuyên mặc dù khi thi hành án giá trị tài sản bà B nhận được đã thay đổi theo hướng tăng lên nhiều lần so với thời điểm xét xử.
4. Chi cục Thi hành án huyện Đông Triều ra quyết định triệu tập chúng tôi đến nộp số tiền còn lại của án phí khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của cấp trên như thế có đúng không?
Án phí là một khoản thu nộp ngân sách nhà nước thuộc diện chủ động thi hành án, do đó khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của cấp trên thì người phải thi hành án vẫn phải nộp, cơ quan thi hành án yêu cầu gia đình bà đến nộp số tiền còn lại của án phí là có cơ sở.
5. Tôi phải làm đơn khiếu nại đến cơ quan nào thì mới nhận được giải quyết?
Về vấn đề khiếu nại, bà phải xác định rõ khiếu nại đối với hành vi hoặc quyết định nào, của ai (Chấp hành viên hay Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự), thì mới xác định được thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo Điều 142 Luật Thi hành án dân sự.
Nếu bà khiếu nại hành vi hoặc quyết định của Chấp hành viên không phải là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh thì bà gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Triều. Trường hợp bà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Triều thì bà gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh để được giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh có hiệu lực thi hành.
Trường hợp bà khiếu nại hành vi hoặc quyết định của Chấp hành viên là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Triều thì bà gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh để được giải quyết. Nếu bà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Triều thì bà gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để được giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?