Chi phí giao tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành có tính vào chi phí cưỡng chế hay không?

Tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án là quyền sử dụng đất gắn liền nhà ở, sau khi bán đấu giá thành, cơ quan thi hành án phối hợp cùng trung tâm dịch vụ bán đấu giá tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Người phải thi hành án hoàn toàn tự nguyện giao tài sản. Xin hỏi trong tường hợp này chi phí giao tài sản do ngân sách chịu hay được khấu trừ vào tiền bán tài sản.

Khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định chi phí cưỡng chế thi hành án là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả.

Căn cứ Điều 71 và Điều 73 Luật Thi hành án dân sự thì có 6 loại biện pháp cưỡng chế thi hành án, gồm: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. Khai thác tài sản của người phải thi hành án. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây: Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án. Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án. Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 73. Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án. Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ. Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án: Chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá. Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây: Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá. Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này. Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ. Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 31 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, thì người được thi hành án có yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện Thi hành án phải trả các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh. Chi phí cần thiết khác quy định tại điểm c khoản 3 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự bao gồm: Chi phí họp bàn cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức họp với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế. Chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án. Các khoản chi phí thực tế cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài liệu của người phải thi hành án. Chi phí cho việc bố trí phiên dịch, biên dịch trong trường hợp đương sự là người thuộc dân tộc thiểu số của Việt Nam mà không biết tiếng Việt. Chế độ bồi dưỡng được áp dụng đối với Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự và đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và các lực lượng khác được huy động tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết.

Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể do cơ quan thi hành án dân sự xác định thuộc diện người phải thi hành án chịu hoặc ngân sách nhà nước chi theo quy định nêu trên. Trong trường hợp bạn hỏi, nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án là nghĩa vụ trả tiền, do đó người phải thi hành án phải tự nguyện nộp số tiền phải thi hành án thì mới được xác định là tự nguyện thi hành án. Do họ không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án, thì việc tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá không phải là tự nguyện thi hành án. Vì thế, chi phí thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc giao tài sản cưỡng chế thi hành án bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá do người phải thi hành án chịu. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện chi đúng nội dung, mức chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
270 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào