Bồi thường thiệt hại khi làm mất tài sản mượn của người khác
Anh Kha là người trực tiếp mượn xe máy của anh Dự nhưng cô Hoa lại là người làm mất chiếc xe. Từ đó cần xác định xem ai là người phải có trách nhiệm bồi thường cho anh Dự trong sự việc này.
Trong tình huống này phát sinh những vấn đề cần giải quyết như sau: nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh Dự; người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Dự; nghĩa vụ dân sự của cô Hoa - người trực tiếp làm mất xe.
Để tư vấn cho anh Dự, cán bộ tư pháp xã căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ của bên mượn tài sản, quyền của bên cho mượn tài sản và căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh Dự và người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Dự: Khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thực chất, giữa anh Dự và anh Kha đã phát sinh quan hệ dân sự mượn tài sản, trong đó anh Dự là bên cho mượn tài sản và anh Kha là bên mượn tài sản. Việc anh Kha cho cô Hoa mượn chiếc xe của anh Dự lại phát sinh một quan hệ dân sự khác mà không liên quan đến quan hệ dân sự giữa anh Dự và anh Kha.
Khoản 2 Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, bên mượn tài sản không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn. Như vậy, anh Kha đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình khi tự ý cho cô Hoa mượn xe máy của anh Dự.
Mặc dù không phải là người làm mất chiếc xe của anh Dự nhưng anh Kha là người trực tiếp mượn xe của anh Dự và không hoàn trả được chiếc xe theo đúng thoả thuận. Theo khoản 4 Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì anh Kha phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.
Trong trường hợp này, anh Dự hoàn toàn có quyền yêu cầu anh Kha bồi thường thiệt hại về tài sản cho mình theo khoản 3 Điều 517 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra.
Nghĩa vụ dân sự của cô Hoa, người trực tiếp làm mất xe: Anh Kha cho cô Hoa mượn chiếc xe máy của anh Dự trong khi anh Dự không hề biết về việc này. Giữa cô Hoa và anh Kha phát sinh quan hệ dân sự. Đó là quan hệ dân sự mượn tài sản, trong đó, anh Kha là bên cho mượn tài sản và cô Hoa là người mượn tài sản. Cô Hoa làm mất chiếc xe nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh Kha theo quy định tại khoản 4 Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2005. Như vậy, anh Kha là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh Dự. Đồng thời, cô Hoa là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh Kha. Bất kể việc cô Hoa đã bồi thường thiệt hại cho anh Kha hay chưa thì anh Kha vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Dự.
Căn cứ vào giá trị của chiếc xe máy tại thời điểm mượn, hai bên có thể tự thoả thuận với nhau về mức bồi thường cụ thể. Tương tự như vậy, anh Kha và cô Hoa cũng có thể tự thoả thuận với nhau về mức bồi thường cụ thể do hành vi làm mất chiếc xe của cô Hoa. Trong thời hạn hai năm, kể từ ngày xảy ra việc mất chiếc xe máy, nếu anh Kha vẫn không bồi thường cho anh Dự thì anh Dự có quyền khởi kiện anh Kha tại Toà án nhân dân và yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?