Một số vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng vay không trả được nợ và bỏ trốn
1. Khi Ngân hàng và A giao kết hợp đồng vay tiền đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, theo đó, A có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 474 Bộ luật Dân sự quy định: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn”. A phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Do A đã bỏ trốn nên Ngân hàng có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:
a. Xử lý tài sản thế chấp
Ðiều 355 Bộ luật Dân sự quy định: Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp. Như vậy:
(i) Nếu trong hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa A và ngân hàng đã có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì Ngân hàng có thể tự tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để xử lý tài sản theo phương thức đó. Khi xử lý tài sản, Ngân hàng căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của A (bên bảo đảm) (theo khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm).
(ii) Nếu không có thỏa thuận trước thì Ngân hàng có quyền bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Liên hệ với trung tâm bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản thế chấp:
Ngân hàng (với tư cách là người có tài sản bán đấu giá theo khoản 4 Điều 10 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP) có quyền lựa chọn trung tâm đấu giá tài sản hoặc bất kỳ tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp nào để bán đấu giá tài sản thế chấp theo trình tự, thủ tục hướng dẫn tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Bước 1: Xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá, các bên có thể tự xác định hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác xác định (theo Điều 23 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP).
Bước 2: Ngân hàng và tổ chức bán đấu giá ký “Hợp đồng bán đấu giá tài sản”. Trong hợp đồng phải nêu rõ các nội dung theo Điều 25 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc bằng chứng khác chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó.
Bước 3: Tổ chức bán đấu giá tiền hành niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản theo Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Bước 4: Tiến hành bán đấu giá tài sản.
b. Khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Ngân hàng có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu A thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đồng thời tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của A.
* Trình tự, thủ tục khởi kiện.
Ngân hàng phải làm đơn khởi kiện và gửi đơn khởi kiện đến tòa án theo các phương thức: nộp trực tiếp tại tòa án; gửi đến tòa án qua đường bưu điện. Nội dung đơn khởi kiện phải đầy đủ các nội dung theo điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;
e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
* Hành vi của A có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Đối chiếu theo quy định trên thì hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu:
- Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên 4 triệu đồng;
- Vay tiền của Ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ và bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
Ngân hàng có quyền tố cáo hành vi của A tại cơ quan có thẩm quyền, việc A có bị kết tội lạm dung tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
* Việc bắt A khi phát hiện nơi trốn của A.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt giữ một người phải tuân thủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Các trường hợp bắt giữ người gồm:
- Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự).
- Bắt người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự).
- Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc điều tra hành vi của A cũng như chưa có quyết định bắt giữ A thì không ai có quyền bắt giữ A. Nếu A đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì khi phát hiện A, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2.Việc B trả nợ ngân hàng thay cho A để nhận tài sản của A
Ðiều 315 Bộ luật Dân sự quy định về việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự như sau: Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc chuyển giao này phải do A và B cùng thỏa thuận, chứ không phải do B và ngân hàng tự thỏa thuận với nhau nên việc B tự trả nợ thay cho A mà không có sự thỏa thuận với A là không thực hiện được.
3.Xử lý đối với phần nợ còn thiếu nếu tài sản của A được định giá và bán với giá thấp hơn so với số tiền vay ngân hàng (gốc + lãi)
Sau khi bán tài sản, việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Ðiều 325 Bộ luật Dân sự và Điều 6 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền yêu cầu A thanh toán phần còn thiếu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?