Hình thức Ủy quyền bán nhà khi bên ủy quyền đang ở Mỹ
1. Văn bản ủy quyền
Theo Khoản 6 Điều 63 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở: Hợp đồng ủy quyền quản lý, trông coi, sử dụng nhà ở, uỷ quyền bán, cho thuê nhà ở phải có công chứng hoặc chứng thực. Nếu mẹ bạn muốn ủy quyền cho bạn bán nhà tại Việt Nam thì phải lập thành văn bản và công chứng văn bản ủy quyền đó tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về thẩm quyền công chứng: Vì mẹ bạn không thể về nước để thực hiện các thủ tục công chứng nên mẹ bạn có thể yêu cầu công chứng tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để công chứng văn bản ủy quyền (Theo Điều 65 Luật Công chứng).
Về hình thức văn bản: Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng:
- Việc ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng ủy quyền. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền liên quan đến bất động sản, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
- Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú của họ công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Như vậy, mẹ bạn có thể lập hợp đồng ủy quyền và yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ công chứng; sau đó gửi về Việt Nam và bạn có thể yêu cầu tổ chức công chứng tại Việt Nam công chứng tiếp hợp đồng này. Hợp đồng ủy quyền có hiệu lực kể từ ngày bạn hoàn tất thủ tục công chứng tại Việt Nam.
2. Xin xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ bạn ở Việt Nam
Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 67 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch:
- Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).
- Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc viên chức Lãnh sự ký và cấp cho đương sự Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định).
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.
Tờ khai để làm thủ tục xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được làm theo Mẫu TP/HT-2010-XNHN.1 ban hành kèm theo Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch. Theo quy định nêu trên và theo mẫu TP/HT-2010-XNHN.1 thì người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không bắt buộc phải chính là người được xác nhận tình trạng hôn nhân. Do vậy, bạn có thể làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Việt Nam thay cho mẹ bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ tịch nước có quyền gì trong lĩnh vực tư pháp?
- Tổ chức cá nhân khi cung cấp thông tin đến Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để đăng tải có phải cung cấp số điện thoại?
- Luật Phòng chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày tháng năm nào?
- 5 tháng 12 năm 2024 là ngày gì? 5 tháng 12 năm 2024 là ngày bao nhiêu âm?
- Mẫu Bản tự kiểm điểm Đảng viên trong Quân đội dành cho cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mới nhất 2024?