Quy định của pháp luật về thời hạn có giá trị của bản sao giấy tờ khi công dân sử dụng để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp thì khi yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp kèm theo các giấy tờ sau: bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp; bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì “Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp bản chụp Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì “Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch”.
Như vậy, hiện nay, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP không quy định về thời hạn có giá trị của bản sao có chứng thực. Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cũng chưa có quy định về thời hạn có giá trị sử dụng của bản sao có chứng thực các giấy tờ khi công dân dùng để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (chứng thực trong thời hạn bao lâu thì còn giá trị sử dụng). Tuy nhiên, đây là những loại giấy tờ làm căn cứ để xác định chính xác các thông tin về cá nhân người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp và là căn cứ để xác định thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng như xác định nơi tra cứu, xác minh thông tin về án tích của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đây cũng là những loại giấy tờ liên quan đến công tác quản lý hành chính nên có thể có sự biến động thường xuyên. Vì vậy, để bảo đảm tính chính xác trong quá trình tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp cũng như xác định thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đối với các loại giấy tờ được chứng thực từ lâu, khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp có thể đề nghị người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bảo sao là giả mạo thì Sở Tư pháp thực hiện xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?
- Có mấy nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?